Phú Thọ hiện có trên 250.000 người DTTS, chiếm 17% dân số toàn tỉnh, phân bố chủ yếu ở địa bàn các huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Thủy.
Những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện tốt chính sách BHXH cho đồng bào DTTS, qua đó không chỉ đảm bảo an sinh xã hội mà còn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào trên địa bàn.
Tân Sơn là huyện miền núi có tới 82,5% là người đồng bào DTTS với đời sống còn nhiều khó khăn. Từ năm 2021 đến nay, việc triển khai công tác BHYT đối với người đồng bào DTTS trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn do có 6 xã khu vực II chuyển xuống khu vực I dẫn đến có khoảng 13.447 người ngừng cấp thẻ BHYT- đối tượng người DTTS thuộc diện ngân sách Nhà nước đóng.
Thời gian qua BHXH huyện Tân Sơn đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai hiệu quả các nội dung chính sách bảo hiểm y tế, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Nhờ đó, từ năm 2021 đến hết 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện duy trì ở mức cao, đạt trên 96%.
Công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người dân được huyện quan tâm chú trọng. Từ năm 2021 đến nay, tổng số lượt khám chữa bệnh tại các trạm y tế xã và Trung tâm Y tế huyện là 306.744 lượt người với số tiền đề nghị thanh toán là 159,4 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Đông, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Phú Thọ cho biết, với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHYT cho các nhóm người trên địa bàn tỉnh, trong đó có chính sách BHYT đối với người DTTS.
BHXH Phú Thọ đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh thực hiện tốt chính sách BHXH,BHYT, bảo hiểm thất nghiệp nói chung và giải quyết kịp thời, đầy đủ các chế độ cho người dân, người lao động DTTS nói riêng.
Tại các địa phương trong tỉnh, xác định việc cấp thẻ BHYT có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người DTTS, hằng năm BHXH tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, lập danh sách để cấp phát thẻ bảo hiểm y tế cho người DTTS theo quy định.
Đồng thời, bố trí ngân sách cấp ứng kịp thời cho nhóm người DTTS thuộc diện được ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người dân khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh Phú Thọ có 135.639 người DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng với kinh phí đóng là 65,5 tỷ đồng.
Để hỗ trợ người DTTS được tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe từ quỹ BHYT, các cơ sở y tế tỉnh Phú Thọ đã thực hiện tốt việc khám chữa bệnh cho người DTTS với mức hưởng và thủ tục khám chữa bệnh theo đúng Luật BHYT, Luật Khám chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn của cơ quan Nhà nước.
Cùng với đó, từ năm 2020 đến hết tháng 6/2024, cơ quan BHXH tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị huy động tặng 54.749 thẻ bảo hiểm y tế tương với số tiền trên 8,7 tỷ đồng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, người DTTS.
Qua đó, góp phần nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh, năm 2024 đạt 94% (tăng 2,5% so với năm 2021).
Tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ đồng bào
Phó Giám đốc BHXH Nguyễn Văn Đông cũng cho biết thêm, để thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế đối với đồng bào DTTS đạt hiệu quả hơn, BHXH Phú Thọ tiếp tục triển khai các giải pháp tuyên truyền, vận động phù hợp với đặc điểm, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của đồng bào DTTS trên địa bàn; khai thác, phát triển người tham gia tại cơ sở, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS.
Ngoài ra, BHXH tỉnh tiếp tục huy động, kêu gọi nguồn kinh phí, quyên góp ủng hộ của các nhà tài trợ, tổ chức, doanh nghiệp và cán bộ, viên chức, người lao động ngành BHXH để hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, trao tặng sổ BHXH giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế, người DTTS được tham gia hệ thống an sinh xã hội nhân văn của Đảng, Nhà nước.
Toàn ngành BHXH tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ Nhân dân, thực hiện tốt việc tiếp nhận và giải quyết, chi trả đầy đủ, kịp thời chế độ bảo hiểm cho người thụ hưởng theo đúng quy trình, quy định.
Phối hợp với ngành Y tế nâng cao hiệu quả quản lý cũng như chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chuyên môn nghiệp vụ nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân nói chung, người DTTS nói riêng khi thực hiện các thủ tục hành chính lĩnh vực bảo hiểm.