Những ai từng xem bộ phim Liên Xô “Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân” chắc sẽ nhớ đến nhân vật Heinrich Muller, Giám đốc Gestapo (Cục trưởng Cục 4) dưới quyền Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh đế chế - Đại tướng Kantenbruner. Với diễn xuất tài nghệ của nghệ sĩ nổi tiếng Leonid Bronevoi, nhân vật Muller đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho người xem bằng những thủ đoạn thâm độc, tính láu cá, sự tàn bạo và cả khả năng nghiệp vụ xuất sắc của mình.

{keywords}
Heinrich Muller. Ảnh: Wikipedia

Từ trước đến nay có nhiều tin đồn về số phận tên trùm an ninh quốc xã này. Đa số cho rằng, Muller đã chết trong những ngày cuối cùng của chiến tranh. Có giả thuyết nói ngày 27/4/1945, Muller tự sát sau khi đã giết vợ và 3 đứa con. Tuy nhiên, tình báo Mỹ không tin khả năng này lắm vì xác Muller đã không được tìm thấy. Người ta ngờ y đã tránh được tròn trừng phạt và thoát khỏi Berlin bằng đường hầm bí mật mà tên đao phủ Adolf Ayman đã sử dụng.

Cựu nhân viên an ninh Đế chế - Vilhem Hetton đã củng cố thêm giả thuyết này khi khai dưới lòng Berlin có một “hang cáo”. Sau một trận bom, Ayman nói với Hetton rằng ở sâu 10m dưới lòng đất có một đường hầm dẫn ra khỏi Berlin. Ayman dường như buột miệng nói với Hetton rằng ngoài y chỉ có Muller biết đường hầm này và ngay cả Kantenbruner cũng không được biết.

Trong một báo cáo, Eron Gernando - Trưởng phòng quân báo thuộc tập đoàn quân Mỹ đóng tại châu Âu nói rằng sau chiến tranh, Ayman và Muller đều chạy sang Argentina nương nhờ Tổng thống Peron – người rất có cảm tình với các tên cựu phát xít và sẵn sàng cho chúng trú ngụ.

Ở đây, Muller tích cực tham gia vào việc giúp thành lập và huấn luyện “Lực lượng cảnh sát liên bang” thuộc Bộ Nội vụ Argentina theo mô hình Gestapo. Sau khi chính quyền Peron bị lật đổ, bốn nhân vật chủ chốt của lực lượng này, trong đó có cả “cố vấn” Muller phải đào tẩu sang một nước Mỹ Latinh và tiếp tục hợp tác với cơ quan đặc biệt nước này.

Bẵng đi một thời gian sau giai đoạn kể trên, dấu vết Muller bất ngờ xuất hiện ở Đông Âu, cụ thể là ở Tiệp Khắc. Mới đây nhất, nhà sử học người Mỹ có tên Gregory Duglas cho ra đời cuốn “Biên bản hỏi cung trùm Gestapo Heinrich Muller”. Cuốn sách cho biết, ngay từ năm 1944, Muller đã lập kế hoạch tẩu thoát khi thấy ngày tàn của nước Đức quốc xã sắp đến gần.

{keywords}
Heinrich Muller (ngoài cùng bên phải). Ảnh: Wikipedia

Số là dưới quyền Muller có một viên phi công trung thành, thạo tiếng Thuỵ Sĩ, thường thực hiện các chuyến bay đón và đưa các điệp viên Đức trên lãnh thổ nước Thuỵ Sĩ trung lập. Muller đã giao nhiệm vụ cho viên phi công này nghiên cứu địa hình địa vật và chọn sẵn một địa điểm làm “căn cứ” cho cả hai thầy trò.

Đêm 29/4/1945, Muller cải trang thành sĩ quan hàng không dân dụng, lên chiếc Storch - một loại máy bay bán quân sự rất tốt thời bấy giờ và bay sang Thuỵ Sĩ. Hành trang duy nhất là chiếc cặp đựng đầy những đồng franc Thuỵ Sĩ mà y tích cóp được trong những năm làm việc cùng số tiền “Quốc trưởng” ban tặng như món quà trước giờ tàn của Đế chế.

Do làm việc trong ngành an ninh nên giấy tờ tuỳ thân của hai thầy trò toàn là “đồ xịn”. Muller sống 3 năm tại Thuỵ Sĩ dưới các tên giả. Đến năm 1948, y sang Tây Berlin trình diện cơ quan phản gián Mỹ đóng tại đây.

Ngay sau đợt thẩm vấn đầu tiên, Muller được đưa sang Mỹ và bắt đầu hợp tác với CIA cho đến tận khi về hưu năm 1958. Những đồng đôla tiếp tục nuôi sống y và gia đình cho đến khi y chết năm 1982. Thi hài mai táng tại bang California.

Một số nhân viên cao cấp của Cục Tình báo Trung ương Mỹ phủ nhận tính xác thực của cuốn sách. Tuy nhiên, không có ý kiến phản bác chính thức nào. Tất cả các giả thuyết trên hiện vẫn chỉ là giả thuyết. Trong khi đó, Muller tiếp tục là một trong những nhân vật đen tối và đầy bí hiểm của nhà nước Đức quốc xã.

Theo miêu tả trong hồ sơ lưu trữ thì Muller sinh năm 1900 tại Munich, “có hình thức dễ coi, mái tóc mầu đen, đôi mắt đen sống động, trang phục luôn nghiêm chỉnh và nói chung gây ấn tượng là một người có học thức”.

Nguyên Phong