Những cây đàn violin do nghệ nhân người Italy, Antonio Stradivari (1644-1737) chế tạo có sức hút đặc biệt trong thế giới âm nhạc cổ điển. Chúng có giá lên đến hàng triệu USD, được các nghệ sĩ, những nhà sưu tầm săn đón và xuất hiện nổi bật trong các sự kiện hòa nhạc lớn.

Trong số hơn 1.200 nhạc cụ do Stradivari chế tác suốt 60 năm sự nghiệp, khoảng 500 chiếc vẫn còn được lưu hành cho đến ngày nay. Chúng hầu hết là violin, bên cạnh một số chiếc viola, cello, guitar, mandolin và đàn hạc.

Antonio Stradivari và những chiếc vĩ cầm hay nhất thế giới

Theo Violinlounge, các nhà sử học cho rằng Stradivari bắt đầu công việc chế tác đàn từ năm 12 tuổi. Khi đó, ông theo học với một nghệ nhân nổi tiếng khác là Nicola Amati. Đến năm 1660, ở tuổi 16, ông đã tự sản xuất một nhạc cụ hoàn chỉnh và dần nổi tiếng với tư cách nghệ nhân làm đàn chất lượng cao. 

Điều này cho phép Stradivari mạnh dạn đưa những thử nghiệm của mình vào đàn violin. Ông được ghi nhận là người có công cải tiến thiết kế, giúp vĩ cầm có hình thức hiện đại hơn và được sử dụng đến tận ngày nay.

Bức tranh Antonio Stradivari kiểm tra những chiếc đàn của ông. Ảnh: Wikimedia.

Stradivari được coi là một nghệ nhân bậc thầy vào thời đại của mình và những thập kỷ sau đó. Tuy nhiên, danh tiếng của ông nổi bật thật sự với tư cách “thiên tài trong số những người giỏi nhất” từ đầu thế kỷ 19, khi những buổi biểu diễn violin dần chuyển sang các phòng hòa nhạc lớn, nơi âm thanh lớn hơn và hay hơn, phô diễn hết chất âm tuyệt vời của đàn Stradivarius. 

Khoảng thời gian 1700-1725 được xem là thời kỳ vàng son trong sự nghiệp của Stradivari. Hầu hết những chiếc violin tốt nhất của ông tồn tại đến giờ đều ra đời trong giai đoạn này. 

Khi đó, Stradivari đã có nhiều kinh nghiệm. Sự nổi tiếng cũng giúp ông kiếm nhiều tiền, có điều kiện mua được những vật liệu chất lượng cao hơn dành cho chế tác đàn.

Bí ẩn âm thanh

Đàn violin Stradivarius là một huyền thoại sống của âm nhạc. Qua nhiều thế kỷ, nhạc cụ của ông xuất hiện trên các sân khấu hòa nhạc, bảo tàng, bộ sưu tập tư nhân và phòng thu âm. Nhiều nhạc sĩ đánh giá đàn violin Stradivarius có chất lượng âm nhạc vượt trội hơn bất kỳ nhạc cụ hiện đại nào. 

Nghệ sĩ vĩ cầm Braimah Kanneh-Mason cầm cây Hellier quý hiếm do Antonio Stradivari chế tạo năm 1679. Ảnh: Reuters.

Điều gì khiến những chiếc đàn của Stradivarius đặc biệt như vậy? Vì sao với rất nhiều tiến bộ công nghệ, chúng ta vẫn không thể tạo ra đàn violin có âm thanh hay hơn nhạc cụ ra đời từ hàng trăm năm trước?

Giả thuyết ban đầu cho rằng Stradivari đã thêm một thứ gì đó vào lớp sơn bóng đặc biệt nhưng các thử nghiệm hóa học cho thấy không có gì bất thường. Một số nhà khoa học đưa ra giả thuyết Kỷ băng hà nhỏ (1300-1850) có thể là một yếu tố quan trọng. Thời tiết khiến loại cây được dùng làm vật liệu chế tạo đàn phát triển chậm hơn, do đó gỗ đặc hơn và tạo ra âm thanh độc đáo. 

Họ cũng phát hiện gỗ mà Stradivari sử dụng được xử lý bằng nhiều loại hóa chất khác nhau, chẳng hạn như nhôm, canxi và đồng, có thể làm thay đổi đặc tính âm học của nó.

Các học giả tại MIT nhận định, bí quyết của Stradivari là kích thước lỗ 'f' trên mặt trước cây đàn violin do ông tạo ra. Các lỗ này càng dài thì âm thanh của nhạc cụ càng được tạo ra nhiều hơn. Stradivari đã tạo ra những lỗ 'f' dài hơn và hẹp hơn so với những nhạc cụ trước đó.

Thiết kế lỗ ‘f’ dài hơn trên đàn violin Stradivarius (ngoài cùng bên phải) có thể là bí quyết tạo ra những âm thanh hay. Ảnh: MIT.

Stradivari cũng thử nghiệm các hình dạng khác nhau cho đàn vĩ cầm của mình. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất âm của sản phẩm cuối cùng.

Ngoài ra, một số ý kiến giả định rằng Stradivari cùng các nghệ nhân chế tác đàn tại Cremona có thể thêm một thành phần bí ẩn nào đó vào loại gỗ mà họ dùng, thậm chí là gỗ từ các nhà thờ cổ, giúp nhạc cụ tạo ra loại âm thanh có một không hai.

Những chiếc đàn trị giá hàng triệu USD

Năm 2011, một người mua ẩn danh trả số tiền kỷ lục 15,9 triệu USD cho một cây vĩ cầm Stradivarius ra đời vào năm 1721. Chiếc đàn mang tên Lady Blunt, theo tên của Quý bà Anne Blunt, một trong những người từng sở hữu nó. 

Các chuyên gia xem đây là nhạc cụ được bảo quản tốt thứ hai trong những tác phẩm của Stradivari. Cây đàn Stradivarius tốt nhất hiện thời có biệt danh “Đấng cứu thế”, nằm trong một chiếc hộp đặc biệt có khả năng kiểm soát điều kiện môi trường, cất giữ tại Bảo tàng Ashmolean ở Oxford, Anh.

Nghệ sĩ vĩ cầm Maxim Vengerov đang sở hữu chiếc Kreutzer Stradivarius (1727). Cây đàn được đặt theo tên của chủ cũ Rodolphe Kreutzer, người được Beethoven dành tặng bản Violin Sonata số 9. Theo Classical Music, nhạc cụ này được bán gần nhất vào năm 1998 với giá 1,5 triệu USD.

Nghệ sĩ Maxim Vengerov biểu diễn với chiếc đàn Kreutzer Stradivarius:

Một chiếc vilon Stradivarius hiếm khác là Dolphin Stradivarius (1714) được mang ra đấu giá vào năm 2000 với con số cuối cùng không được tiết lộ. Chủ sở hữu hiện tại là Nippon Music Foundation. Tổ chức này cho nghệ sĩ violin nổi tiếng Nhật Bản Akiko Suwanai mượn sử dụng.

Nghệ sĩ violin nổi tiếng Nhật Bản Akiko Suwanai và chiếc đàn Dolphin Stradivarius

Nghệ sĩ vĩ cầm người Ba Lan, Bronisław Huberman sở hữu cây Gibson ex-Huberman Stradivarius (1713) vào đầu thế kỷ 20, sau đó bị đánh cắp 2 lần vào các năm 1919 và 1936. Sau nửa thế kỷ biệt tăm, một người chơi violin nghiệp dư thú nhận đã mua được nhạc cụ nổi tiếng này với giá 100 USD. Chiếc đàn được bán lần gần nhất vào năm 2001 với giá 4 triệu USD.

Nguyễn Hiếu (tổng hợp)