Alaska nổi tiếng là nơi thỉnh thoảng vẫn xuất hiện các loài cá độc nhất vô nhị trên thế giới. Tuy nhiên, việc một sinh vật sống ở độ sâu hơn 1.219 mét dưới đáy đại dương dạt vào bờ biển bang này của Mỹ mới đây, đang là câu hỏi hóc búa đối với các nhà khoa học.
Một con cá ngựa lá rong (ragfish), danh pháp khoa học Icosteus aenigmaticus, dài hơn 1,8 mét được phát hiện trôi dạt vào bờ biển bang Alaska, Mỹ hồi tuần trước. Đây chỉ là cá thể thứ hai thuộc loài này từng được tìm thấy trong vòng 40 năm qua.
Theo báo Alaska Dispatch News, một nhân viên vận tải của bang, có tên Jeff Jarvis, đã phát hiện ra xác con cá lạ gần vũng cạn ở Gustavus, trụ sở của Khu bảo tồn và công viên quốc gia Glacier Bay. Ban đầu anh Jarvis tin sinh vật trôi dạt vào bờ là là một con cá bơn lưỡi ngựa. Song, khi xem xét kỹ, anh nhận ra đó là con cá mình chưa từng nhìn thấy trước đây.
Cá ngựa lá rong là loài sinh vật có thân mềm giống búp bê nhồi vải vụn, với lớp da vô cùng mềm mại và không có vảy. Chúng có thể phát triển tới chiều dài cơ thể khoảng 2,1 mét và thường bị biến thành món lót dạ của cá nhà táng.
Hiện chỉ có rất ít cá ngựa lá rong sống sâu dưới mặt nước biển ngoài khơi Alaska. Một số cá thể từng được phát hiện bị mắc kẹt vào các lưới rà thả ngầm dưới biển, nhưng hiếm khi người ta nhìn thấy chúng trên bờ biển. Lần gần đây nhất một con cá có vẻ ngoài như sinh vật ngoài hành tinh này từng dạt vào bờ là vào tháng 7/2015, khi một con cá ngựa lá rong dài gần 2 mét xuất hiện ở vịnh Bartlett.
Cả hai con cá ngựa lá rong trôi dạt vào bờ nói trên đều là những cá thể cái trưởng thành, đã chết với cái bụng đầy trứng. Theo nhà sinh vật học Craig Murdoch, do hiếm khi chúng ta nhìn thấy cá ngựa lá rong nên các chuyên gia hiện rất khó biết được tầm quan trọng của 2 sự cố xảy ra trong cùng một khu vực và chỉ cách nhau 6 tháng này.
Cá ngựa lá rong được tin là rất phàm ăn mực và sứa, nhưng hai cá thể được tìm thấy đều có đường tiêu hóa trống rỗng. Ngoài ra, loài cá này sinh trưởng tự nhiên ở các vùng nước của Alaska, nên khó có khả năng chúng là cá phương nam bị các dòng nước ấm cuốn trôi về phương bắc.
Chuyên gia Murdoch nhận định, sự trôi dạt vào bờ kỳ lạ của các con cá ngựa lá rong có thể là kết quả của sự gia tăng dân số hay một số xảy ra ở đại dương hoặc có liên quan đến việc giết hại chim anca ở vịnh Alaska hoặc đơn giản có thể chỉ là sự cố ngẫu nhiên.
Tuấn Anh (Theo Daily Mail)