Bản thân đang bị cắt giảm lương và cũng đang phải đi thuê nhà, nhưng chị Trần Thu Hương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại lấy đó như một sự đồng cảm để giảm tiền thuê nhà cho người khác.

Căn nhà 3 tầng, mỗi tầng hơn 30m2 của vợ chồng chị Hương nằm trong một ngõ nhỏ ở quận Long Biên, được chị cho một gia đình khác thuê lại với giá 4 triệu đồng/tháng.

Gia đình thuê nhà của chị cũng là 2 vợ chồng trẻ cùng con nhỏ 5 tuổi. Người vợ làm kế toán, chồng làm kinh doanh tự do. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, người vợ bị công ty cho nghỉ việc, đang phải đi tìm công việc mới, công việc kinh doanh của anh chồng cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Vì công ty xa nhà nên chị Hương cho thuê căn nhà của mình rồi đi thuê một căn chung cư ở khu vực Đại Mỗ, thuận tiện cho việc đi làm của 2 vợ chồng. Căn nhà mà chị thuê cộng với các khoản phí hàng tháng lên tới gần 6,5 triệu đồng/tháng.

{keywords}
Căn nhà cho thuê của chị Hương nằm trong một ngõ nhỏ ở quận Long Biên (Hà Nội). Ảnh: NVCC

‘Hai vợ chồng mình làm chung công ty. Công ty làm về thương mại điện tử, khách hàng 100% là người Úc. Từ hồi Úc phong toả, khách hàng của công ty phải đóng cửa hết nên công ty không thanh toán được tiền hoặc mất khách’.

Chị kể, các nhân sự trong công ty, người thì bị cắt giảm lương, người thì phải nghỉ tạm thời, chỉ nhận lương cơ bản. Hai vợ chồng chị cũng không phải là ngoại lệ. Cả hai đều bị cắt giảm lương.

‘Thế nên, bọn mình cũng gặp khó khăn vì trở tay không kịp cho tình huống này. Tiền thuê nhà bây giờ với 2 vợ chồng cũng là một nỗi lo. Nhưng chính vì thế mà mình thông cảm cho người thuê nhà mình’ - chị Hương chia sẻ.

Hai vợ chồng đã quyết định giảm 50% tiền nhà 2 tháng 4 và tháng 5 cho người thuê căn nhà bên quận Long Biên của mình.

‘Mình khó thì người ta cũng khó. Nếu chủ nhà mình đang thuê cũng giảm cho mình thì tốt quá’.

Khi được hỏi có đề nghị chủ nhà giảm tiền thuê cho mình không, chị Hương bảo ‘chắc cũng phải nghĩ đến việc ấy vì tình hình dịch bệnh có thể còn kéo dài. Công việc của 2 vợ chồng chưa biết còn làm được đến khi nào’.

Tuy vậy, chị Hương vẫn lạc quan là ‘kiểu gì rồi cũng có cách giải quyết’.

Chị Hương cho rằng qua đợt dịch này, nhiều người sẽ biết trân trọng những gì mình đang có.

{keywords}
Trung tâm Anh ngữ của chị Trần Thị Như đã tạm dừng các khoá học từ tháng 2. Ảnh: NVCC

Giống như nhiều cơ sở kinh doanh khác, trung tâm Anh ngữ và kỹ năng sống của chị Trần Thị Như ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã tạm dừng tất cả các khoá học từ sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán.

Chị Như cho biết, hiện tại trung tâm của chị không có bất cứ nguồn thu nào từ học viên. Vì thế, chị đã cố gắng thuyết phục chủ nhà cắt giảm tiền thuê trong thời gian này. 

Sau nhiều nỗ lực thuyết phục, chị Như được miễn phí toàn bộ tiền thuê nhà bắt đầu từ tháng 3 cho tới khi được phép hoạt động trở lại với điều kiện thời gian dịch bệnh không kéo dài quá lâu.

‘Thời điểm này, nếu chủ nhà không miễn giảm tiền nhà thì đúng là các cơ sở kinh doanh không thể trụ được, thậm chí là phải trả mặt bằng. Mà trả mặt bằng thời điểm này thì chủ nhà cũng rất khó khăn trong việc tìm người thuê. Thế nên, tôi nghĩ là việc này cả hai bên nên hỗ trợ nhau là hợp lý’.

Chị Như cũng cho biết, thời gian tới trung tâm sẽ xem xét để sớm triển khai chương trình dạy học online, tránh gây đứt quãng việc học tập của học viên quá lâu. Đồng thời, đây cũng là cách giúp giải quyết phần nào vấn đề thu nhập cho giáo viên – những người bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế trong đợt dịch bệnh này.

Chủ nhà giảm tiền trọ, giám đốc hỗ trợ tiền nuôi con cho nhân viên

Chủ nhà giảm tiền trọ, giám đốc hỗ trợ tiền nuôi con cho nhân viên

‘Cảm ơn tấm lòng tốt của bà chủ nhà. Hi vọng các chủ trọ khắp nơi đều thấu hiểu và chia sẻ’.  

Nguyễn Thảo