Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, bệnh nhi là em A.V.L (11 tuổi).

Khai thác bệnh sử ghi nhận, tai nạn xảy ra khi L. đang chơi với em trai 5 tuổi. Người em vô tình dùng kéo sắc nhọn đâm vào bắp chân trái của anh gây vết thương chảy máu. 

Người nhà đưa L. vào bệnh viện địa phương, cắt lọc khâu vết thương. Sau 4 ngày, nhận thấy chân cậu bé không giảm sưng, đau nhức nên gia đình chuyển em lên bệnh viện tỉnh, cắt bớt chỉ vết thương, băng ép. Sau đó, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM). 

Tại đây, trẻ tỉnh, tiếp xúc được, vết thương vùng khoeo trái 2cmx1cm vùng má ngoài, đầu ngón chân tái phù, ấm. Siêu âm ghi nhận túi phình động tĩnh mạch khoeo chân trái.

Kết quả chụp CT mạch máu cản quang cho thấy bệnh nhi bị hẹp đoạn cuối động mạch khoeo và tắc đoạn cuối tĩnh mạch kheo tại vị trí túi phình.

Hình ảnh túi phình mạch máu lớn, gây cản trở tưới máu nuôi chi. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.

Bác sĩ Tiến lý giải, vết thương do kéo gây rách da, rách cơ và động mạch, đứt tĩnh mạch. Máu từ động mạch rỉ ra, trào ra mô xung quanh tạo thành cục máu đông, thông giữa động và tĩnh mạch, tạo thành túi phình.

“Túi phình nguy hiểm vì gây cản trở khi máu theo động mạch đi xuống nuôi chi. Ngược lại, máu theo tĩnh mạch đi lên cũng khó khăn. Do đó, chân bị thiếu tưới máu và sưng rất nhiều. Nếu không can thiệp kịp thời, trẻ có thể phải đoạn chi”, bác sĩ nói. 

Trước tình hình trên, các bác sĩ quyết định sẽ phẫu thuật mở rộng vết thương, bóc tách cơ, bộc lộ tìm hệ thống mạch máu vùng bị tổn thương. Ê-kíp tiến hành khâu nối phục hồi động mạch khoeo, cột tĩnh mạch khoeo. 

Sau mổ, trẻ được chuyển xuống Khoa Hồi sức ngoại điều trị tích cực với thuốc chống đông, truyền dung dịch cao phân tử, giữ lưu thông mạch máu. Sau gần 2 tuần điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần, chân hết sưng, cử động khá. 

Bác sĩ Tiến khuyến cáo, phụ huynh tuyệt đối không cho trẻ chơi đồ sắc nhọn vì có thể dẫn đến các tai nạn đe dọa sức khỏe và tính mạng trẻ.