Bác sĩ Nguyễn Thành Danh, Đơn vị Mắt, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, cho biết, bệnh nhi là bé trai 11 tuổi, ngụ tại Bình Dương. Em học cách tự chế pháo trên mạng và gặp tai nạn. Pháo nổ gây tổn thương nặng nề, em được chuyển lên TP.HCM.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ xác định nạn nhân bị bỏng nặng vùng ngực, mất bàn tay phải, vỡ nhãn cầu trái. Mặc dù được nỗ lực cứu chữa nhưng trẻ mất hoàn toàn chức năng thị lực mắt trái. Các bác sĩ đã phối hợp cùng Bệnh viện Mắt TP thực hiện bảo tồn thẩm mỹ cho bệnh nhi. 

Trẻ được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM điều trị sau tai nạn pháo nổ. Ảnh: GL.  

Bác sĩ Danh cho hay vỡ nhãn cầu là tai nạn không hiếm gặp, xảy ra do các tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông và hỏa khí. Trong đó, thường gặp nhất là nguyên nhân do tai nạn sinh hoạt khi trẻ nhỏ tiếp cận các động vật như chim, cò. Các động vật này thường mổ vào mắt vì bộ phận này di chuyển khiến chúng lầm tưởng là thức ăn. 

Bên cạnh đó, vỡ nhãn cầu còn do áp suất từ súng hơi hay pháo nổ quá cao, gây tổn thương các lớp nhãn cầu; hoặc tai nạn giao thông khiến trẻ chấn thương vùng đầu, mặt... 

Tổn thương trên không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn có thể khiến nạn nhân mất thị lực vĩnh viễn. Nếu vỡ nhãn cầu nhẹ, trẻ được bảo tồn bằng cách khâu lại vết rách hoặc bơm dịch, bơm khí để giữ áp suất nhãn cầu. Tình trạng nặng hơn, các tổ chức bên trong nhãn cầu lồi ra, khả năng bảo tồn thấp và gây mất chức năng nhìn.

Về lâu dài, trẻ có nguy cơ mắc nhãn viêm giao cảm, ảnh hưởng chức năng thị lực của mắt còn lại.

Bác sĩ lưu ý phụ huynh cần đảm bảo trẻ không nghịch phá các loại súng hơi, các loại pháo và tuyệt đối không sử dụng các hợp chất chế pháo. Cần hạn chế hoặc có kính bảo vệ mắt khi trẻ đến gần các động vật như chim, cò. 

Ngay khi xảy ra tai nạn liên quan đến mắt, người nhà cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở điều trị nhãn khoa gần nhất để sớm được can thiệp.