![]() |
Anh Nguyễn Quyết Thắng đang giới thiệu HomePhone cho khách hàng ở thôn Cả (xã Tân Trào - Sơn Dương - Tuyên Quang). Ảnh: Đức Hiệp |
Lý sự cùn và những “độc chiêu” hiếm có...
16 giờ 30. Khi cái nắng cuối chiều của vùng núi Tuyên Quang vẫn còn gắt, cũng là lúc anh Nguyễn Đình Long - cộng tác viên thu cước của Viễn thông Viettel huyện Yên Sơn trở về nhà. Đặt phịch chiếc túi đựng cả tệp hoá đơn đã quăn mép xuống chiếc ghế nhựa, đưa vạt áo lấm lem bụi đường lên quệt mồ hôi, vừa gặp phóng viên Báo BĐVN, anh than thở: “Có một gia đình ở xã Nhữ Hán trong huyện còn nợ hơn 100 nghìn đồng mà tôi đi lần thứ 5 rồi, vẫn chưa đòi được! Mỗi lần cả đi cả về cũng mất đến 14 cây số đường toàn ổ gà, đến khổ!”.
Anh Long kể: Mỗi tháng anh và nhiều đồng nghiệp khác luôn phải mất từ 10 - 15 ngày may ra mới đòi được hết cước. Nhiều gia đình kinh tế khó khăn nên hầu như đến nhà nào, họ cũng luôn thắc mắc một câu phủ đầu: “Sao mà nhiều thế?”, “Có gọi gì đâu?” và sẵn sàng nổi khùng, văng tục ngay trước mặt. Cao tay hơn, có gia đình không vội tỏ thái độ, chỉ hẹn hôm sau quay lại. Hôm sau đến thì họ sẽ nói chưa có, lại hẹn... ngày kia. Rồi tới “hôm kia”, theo đúng hẹn thì y rằng một là gia chủ đóng cửa nhà im ỉm, hai là không xua mấy con chó ra nghênh tiếp thì cũng vác ghế ném thẳng tay vì lỗi làm mất ngủ vào lúc... 3 giờ chiều...
Chị Trần Lê Hoàn - Cửa hàng trưởng chi nhánh Viettel huyện Sơn Dương cho biết: Có những trường hợp “cùn” đến mức không bao giờ chịu nộp ngay đủ tiền. Như trường hợp thuê bao L.T.H ở xã Đại Phú (huyện Sơn Dương), hàng tháng luôn hết ngót nghét 200 - 300 nghìn đồng, nhưng lần nào nhân viên đến thu không chồng thì vợ đều nhất quyết chỉ chịu trả đúng… 100 nghìn đồng, không hơn không kém. Tiếp đến là lôi ngay cái bài ôn nghèo kể khổ ra đôi co từng đồng tựa như chuyện mua bán ngoài chợ. Có gia đình còn lý sự “điêu” đến cái mức: “Đến thu tiền hả? Gần trăm nghìn cơ à? Tôi... đếch trả đấy! Cái nhà hàng xóm còn nợ đến mấy trăm nghìn từ tháng trước, các vị còn chưa đòi được kia kìa! Giỏi thì sang bên đó đòi đi, đòi được nó thì sang đây... tôi trả!”.
Quả thực, 1001 cái lý lẽ được phát ra đứng trên quan điểm của một người… cùn thì bao giờ nó cũng có thể áp đảo tất thảy mọi lời thuyết phục, dù nhân viên thu cước có giơ ra cả văn bản tính tiền cước chi tiết đến tận giây, tận phút chỉ vì nhân viên thu cước đang… ở trên “lãnh thổ” của họ. Và thường, gia chủ luôn kết thúc những cuộc lý sự như thế bằng hai phương án: “Thích ở lại để bị ăn… vả, hay về?”
Dĩ nhiên, “ban căng” như thế ai dám chọn đường dẫn tới những cái vả, thà rằng rút êm về nhà để nghĩ chiêu để đòi cho bằng được. Nhưng như trường hợp của anh Long đi đòi tiền cước một gia đình ở xã Nhữ Khê còn phải “linh động” áp dụng đủ cách: Đến đòi lúc gia chủ đi làm đồng buổi sáng, khi thì giữa trưa, rồi “mai phục” cả buổi tối. Đến lần thứ 5 vẫn chẳng ăn thua, cuối cùng đành áp dụng chiêu thứ 6 là kéo theo cả bác trưởng thôn “quan hệ rộng” nơi mình ở sang nói chuyện với... trưởng thôn nơi con nợ khó đòi thường trú. Cũng may, cuối cùng sự hợp tác của “liên minh trưởng thôn” đã giúp anh Long thu được khoản cước HomePhone chỉ hơn 100 nghìn, kết thúc chục ngày trời một mình ròng rã đội nắng, đạp mưa kèm phải hứng chịu vô số lời thiếu văn hoá!
Dòm mặt... tính tiền
Xin giải thích ngay là chuyện “dòm mặt” ở đây khác chuyện mấy cô bán hàng tôm, hàng cá ngoài chợ luôn ưa nhìn mặt khách để chớp thời cơ “chém đẹp”, mà đơn giản chỉ là chuyện nhân viên thu cước phải biết dòm mặt… khách hàng chỉ để phục vụ mục đích duy nhất: Có nên quyết định chìa hoá đơn tính cước ra hay không.
Kể lại “tích” dòm mặt khách hàng, anh Nguyễn Đình Long bảo: Hồi tháng 7/2008, khi mới đi thu cước lần đầu, tôi vừa cầm tờ hoá đơn đến cửa thông báo gia chủ dùng hết gần 300 nghìn, thì bỗng dưng ông chủ nhà... chửi toáng lên. Ông ta lý sự bậy: “Làm đ. gì hết lắm thế, không trả!”. Dứt lời còn hô thêm bạn nhậu định quay sang cho anh một chưởng vì can tội... tính láo. Anh Long hết hồn, quờ vội tờ hoá đơn chạy khỏi nhà. Ra đến cổng, anh được một bà hàng xóm của gia chủ tư vấn tại chỗ: “Mặt đỏ tức là ông ấy đang say, đừng dại đòi tiền!”
“Nhưng hôm sau, mặt họ vẫn đỏ thì sao?” Nghe tôi hỏi, anh không ngần ngừ: “Thì lại phải về tiếp chứ biết làm gì hả anh, đến khi nào cái mặt ông ta nó trắng thì đòi!”. Anh Long nói vui: “Mới đi thu cước hơn một năm mà giờ tôi đã nắm được tính nết của 90% khách hàng. Mỗi nhà một kiểu, không hiểu… “phong cách” của họ thì rất khó đòi tiền. Còn cộng tác viên Nguyễn Tuấn Lược thì nghiệm ra thế này: Ở những xã khó khăn của Tuyên Quang, đừng mong có chuyện người đi thu cước ngồi trên xe máy, gọi ới báo tiền cước mà gia chủ mang tiền ra nộp như dưới xuôi hay các đô thị. Muốn thu được cước, trước hết là thái độ của mình phải... thật lễ phép trước đã. Nhưng thế chưa đủ, còn phải dòm mặt, hễ thấy mặt họ đỏ vì rượu, văng đéo văng lắt thì thượng sách là phải... tìm cách “phắn” thật nhanh, kẻo chậm chân chỉ một bước là gia chủ sẽ nổi điên, “choa” cả chai rượu lủng đầu thì khốn cái thân!”.
Để cộng tác viên ổn định công việc…
Với địa hình đồi núi đi lại khó khăn, phức tạp, khi điện thoại hữu tuyến không thể kéo đến tận nơi thì chiếc điện thoại cố định không dây như HomePhone đang từng ngày góp phần tạo nên sự thay đổi về cuộc sống tinh thần, vật chất cho người dân vùng sơn cước Tuyên Quang. Rất nhiều gia đình hoàn cảnh rất khó khăn nay được hưởng ưu đãi từ quĩ Viễn thông công ích, cùng chính sách khuyến mãi của nhà cung cấp cũng kịp ung dung sở hữu “cái alô”. Vậy nên, cũng dễ hiểu khi khả năng thanh toán cước của nhiều nhà luôn chậm trễ và trở thành nơi “hội tụ” của đủ câu chuyện hỉ nộ ái ố bi hài.
Có đi cùng các nhân viên thu cước mới hiểu được nỗi vất vả, nhọc nhằn của họ. Dãi nắng cả ngày trời dưới cái nóng 37 - 38 độ hay trong cơn mưa miền núi dai dẳng với quãng đường ngót trăm cây số chỉ thu được vài trăm nghìn đồng đã là chuyện diễn ra như cơm bữa. Không thu được cước đã đành, không hiếm trường hợp anh em cộng tác viên, nhân viên của Viettel lại còn phải rút tiền trong ví mình ra để... biếu gia chủ. Anh Nguyễn Quyết Thắng - cộng tác viên Viettel ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào cho biết: Với anh, như đã thành lệ, tháng nào đến ngày đi thu cước là anh cũng luôn “găm” sẵn khoảng 200 nghìn để sẵn sàng ứng tiền trả trước giúp những hộ nghèo hoặc cố tình chây ì, khó đòi.
Trao đổi với phóng viên Báo BĐVN, Thiếu tá Vũ Thanh Hải - Giám đốc chi nhánh Viettel Tuyên Quang - cho biết: Với đặc thù là tỉnh miền núi, cả 5 huyện Chiêm Hoá, Hàm Yên, Na Hang, Sơn Dương và Yên Sơn của tỉnh đều thuộc vùng Viễn thông công ích, đời sống và dân trí của nhiều đồng bào còn khó khăn. Chính vì vậy, công tác thu cước phí gặp rất nhiều vấn đề phức tạp, khiến nhiều cộng tác viên thu cước mới vào làm đã không chịu nổi áp lực công việc. Với những trường hợp khó khăn, công ty luôn chỉ đạo đội ngũ cán bộ phụ trách cộng tác viên kịp thời hỗ trợ nghiệp vụ, động viên tinh thần và bằng cả những khoản tiền thưởng, hỗ trợ xăng xe…, để các cộng tác viên sớm ổn định công việc.
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 103 ra ngày 28/8/2009