Luật sư tư vấn:

Theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự có thể có các trường hợp như sau:

- Trường hợp 1: Không chấp nhận kháng cáo giữ nguyên bản án sơ thẩm

Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm khi xét thấy các quyết định của bản án sơ thẩm có căn cứ và đúng pháp luật.

- Trường hợp 2: Có căn cứ có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới 

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 357 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 về sửa bản án sơ thẩm, Khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau:

a) Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo; không áp dụng hình phạt bổ sung; không áp dụng biện pháp tư pháp;

b) Áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn;

c) Giảm hình phạt cho bị cáo;

d) Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng;

đ) Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn;

e) Giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo.

Do đó, trường hợp gia đình bạn kháng cáo để mong được giảm mức hình phạt, Tòa án cấp phúc thẩm sẽ xem xét tình tiết vụ án để xác định việc giữ nguyên bản án sơ thẩm hoặc sửa bản án sơ thẩm theo hướng giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 357 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015, Tòa án chỉ xem xét tăng hình phạt khi Viện kiểm sát kháng nghị hoặc bị hại kháng cáo yêu cầu.

Thạc sỹ - Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc