“Con gái là con người ta/ Con dâu mới thật mẹ cha mua về”. Nếu ngày ấy bà đủ tỉnh táo để phản kháng lại quan niệm này thì đâu đến nỗi mỗi năm, tháng 7 nước mắt của bà lại lã chã rơi như những cơn mưa ngâu đang rả rích ngoài kia…

Con đã ngã từ vết xe cuộc đời mẹ

Chồng bà bị tai nạn lao động qua đời đúng lúc bà đang mang thai đứa con gái cùng thêm cậu con trai mới 2 tuổi đầu. Ông ra đi vào tháng 7 âm, nên từ đó cứ đến tháng 7, trên ban thờ cúng vong tổ tiên ông bà lại có thêm một mâm cơm giỗ chồng.

Chồng chết, một nách hai con nhỏ, bố mẹ, anh chị em chồng cũng nghèo, vất vả chạy ăn từng bữa trên đất cằn miền sơn cước nên nhiều lúc bà quá túng quẫn đã cầu xin bố mẹ mình cho trở về quê ngoại đồng bằng vựa lúa để kiếm sống nuôi con. Nhưng đáp lại lời cầu xin của bà bao giờ cũng là cái lắc đầu từ chối vì “con gái là con người ta, con gái gả đi lấy chồng là đi hẳn, quay về xóm làng dị nghị”. Năm tháng trôi qua, hai đứa con của bà lớn lên trong nước mắt và nỗi nhọc nhằn của mẹ.

{keywords}

Ảnh minh họa.

Rồi cũng đến ngày con gái bà theo chồng về nhà khác. Đêm cuối cùng hai mẹ con tâm sự với nhau, bà dặn con gái: “Đi lấy chồng khó đến mấy cũng đừng quay đầu lại vì con gái là con người ta. Người ta thương thì mừng, người ta ghét thì phải chịu”.

Con gái bà đã lớn lên trong cảnh thờ ơ của ông bà ngoại, giờ lại sắp phải chứng kiến bản thân mình mất quê hương, cha mẹ, thành con người ta, chỉ biết khóc thầm vâng lời mẹ dặn. Con gái bà lấy phải người chồng vũ phu, gia đình chồng tàn ác, phong kiến nên bị hành hạ, đánh đập không tiếc tay. Lắm khi con gái vừa bị chồng đánh rất đau, vừa bị mẹ chồng rỉa rói lôi cả tổ tông nhà ngoại ra mà chửi, vậy mà gọi điện cho mẹ cũng phải cố gắng giấu đi tiếng khóc, gặng mà cười cho mẹ vui. Cô luôn cố giấu đi nỗi khổ và nghĩ tới những hạnh phúc mà mình không có để nói cho mẹ nghe, giấu đi những tủi hờn để vẽ ra những niềm vui…

Rồi một ngày tháng 7 khi những cơn mưa ngâu về, bà được tin con gái mình đã không còn. Con ra đi vì uất ức bị hành hạ, đánh đập, vì đau buồn đã bao nhiêu cái tết không được về thăm mẹ, bao nhiêu ngày giỗ không được thắp hương lên bàn thờ của cha. Trong cơn khóc vùi, bà như nghe văng vẳng tiếng con và cả tiếng của chính mình mới đâu đây thôi: “Mẹ ơi, mẹ lên xin cho con về chơi nhà một lần đi, con nhớ mẹ quá”. “Không được đâu con, con giờ đã là con người ta nên con phải theo phép nhà người ta. Bao giờ người ta cho đi mới đi, có nhớ, có thương, có khổ cũng phải chịu, phải nhịn”…

Câu chuyện trên đây vì tế nhị nên không có tên nhân vật. Nhưng nó là một câu chuyện có thật được ghi lại từ một cái chết, một vụ án gia đình mà cho đến giờ người ta vẫn giằng co giữa nguyên nhân nạn nhân tử tự hay bị nhà chồng sát hại. Công lý rồi sẽ được sáng tỏ, nhưng nỗi đau của một kiếp đàn bà chẳng thể nào nguôi ngoai.

{keywords}

Ảnh minh họa.


Từ chối tiền mừng vì “con gái là con người ta”

Đó là quan niệm vẫn đang “thịnh hành” tại nhiều xóm chài ở Nghệ An. Nhiều gia đình có con gái vẫn duy trì tục lệ: nhà gái không được lấy tiền mừng cưới, còn nhà trai “được thêm con” nên được lấy tiền mừng. Theo thông tin từ báo chí, tục này có từ lâu đời.

Dân làng quan niệm con gái lấy chồng là “lộc, duyên con gái” nên trong ngày cưới họ chỉ mời một số anh em, bà con thân thích đến uống chén rượu mừng. Nhà gái không tổ chức mời khách đông và làm cỗ linh đình nên không nhận quà mừng của ai. Dần dần, việc không nhận quà mừng cưới trở thành phong tục truyền từ đời này qua đời khác, khách khứa tới chung vui cùng gia chủ rồi về.

Xóm Kim Liên, xã Diễn Kim, Nghệ An có gần 100% hộ gia đình duy trì phong tục này. “Trước cha ông từng dạy, vì con gái khi đi lấy chồng là mất con, mất họ nên nhà gái không lấy quà mừng. Trong khi đó, con trai lấy vợ là được thêm người, thêm của nên nhà trai được phép lấy tiền mừng của mọi người” - bà Trương Thị Xuân, người vừa tổ chức đám cưới cho con gái cho biết.

Luật tục này tồn tại từ nhiều đời nay đã vô tình làm nhiều gia đình có con gái rơi vào tình trạng khó khăn hơn về kinh tế, cũng như khoét sâu thêm sự bất bình đẳng nam nữ tại các vùng quê. Thống kê sơ bộ, mỗi năm Diễn Kim có gần 100 đám cưới. Tùy điều kiện kinh tế và quy mô họ hàng, các mối quan hệ..., mỗi gia chủ thường bày tiệc cưới khoảng vài chục mâm, chi phí làm cỗ lên tới hàng chục triệu đồng. Toàn bộ chi phí tổ chức cưới cho con gái đều do gia đình chi trả, không có khoản tiền mừng để san sẻ gánh nặng tài chính sau đó.

Người dân xóm Kim Liên vẫn luôn kể vể trường hợp một gia đình có 6 đứa con gái trong xóm. Gia đình này không nhận quà cưới trong cả 6 lần tổ chức hôn lễ cho con, vì vậy kinh tế càng khó khăn hơn. Một vài hộ trong xóm đã phải thế chấp nhà để tổ chức lễ vu quy cho con gái rồi rơi vào tình trạng nợ nần dai dẳng sau đó…

(Theo PLVN)