Tại các đô thị lớn “đất chật người đông”, vì diện tích đất nhỏ hẹp và nằm trong khu dân cư đông đúc nên hầu hết những căn nhà đều được thiết kế dạng nhà ống khép kín.
Dạng nhà ống thường chỉ có một lối ra vào kiêm luôn lối thoát hiểm. Thiết kế này vô tình đẩy những người trong gia đình vào tình thế nguy hiểm khi xảy ra sự cố, nhất là hoả hoạn.
Thời gian gần đây, nỗi lo hoả hoạn tại những căn nhà ống trong đô thị lại được báo động khi liên tiếp xảy ra các vụ hoả hoạn thương tâm.
Như vụ cháy nhà trên đường Nguyễn Thị Định, P.Cát Lái, TP.Thủ Đức, TP.HCM vào rạng sáng 30/3 khiến 6 người trong một gia đình thiệt mạng và một người bị thương.
Trước đó vài ngày, một vụ cháy thương tâm khác xảy ra tại căn nhà trong hẻm đường Cao Lỗ, P.4, Q.8, TP.HCM khiến ba người trong gia đình tử vong.
Gần đây nhất, vụ hoả hoạn xảy ra tại căn nhà số 311 phố Tôn Đức Thắng, Q.Đống Đa, TP.Hà Nội vào rạng sáng 4/4 đã cướp đi sinh mạng của 4 người.
Cảnh sát PCCC tiếp cận cứu nạn trong một vụ cháy nhà ở Hà Nội. |
Theo kỹ sư Nguyễn Bảo Vinh, hoả hoạn xảy ra ở nhà phố, nhất là dạng nhà ống, đều có thể gây thiệt hại rất lớn về người. Hầu hết nhà phố hoặc nhà ống thường không có hệ thống báo cháy, kết cấu có ba mặt giáp với nhà bên cạnh.
Trong khi đó, cửa ra vào chính ở mặt tiền và ban công thường bị che chắn kiên cố để hạn chế trộm cắp. Nguyên nhân gây ra các vụ cháy tại các căn nhà ống đô thị hầu hết do ý thức chủ quan của người dân, nhất là do sử dụng thiết bị điện không an toàn.
Nhằm đề phòng sự cố cháy nổ có thể xảy ra, kỹ sư Nguyễn Bảo Vinh cho rằng, khi xây dựng nhà ống, người dân cần thiết kế lối thoát hiểm sao cho người ở trong nhà dễ thoát ra ngoài. Chìa khoá mở lối thoát hiểm này nên để ở nơi mọi thành viên trong nhà đều biết.
Bên cạnh đó, người dân cần tự trang bị những phương tiện chữa cháy cần thiết. Thậm chí, gia chủ có thể trang bị sẵn một chiếc búa để có thể đập phá khung sắt trong trường hợp khẩn cấp.
“Không để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy gần nơi đun nấu. Không nên sử dụng tấm nhựa hoặc mút xốp để ốp tường. Để hạn chế xảy ra sự cố về điện, gia chủ phải thường xuyên kiểm tra hệ thống dây dẫn và thiết bị điện trong nhà, các thiết bị tiêu thụ điện không nên để gần chất liệu dễ cháy như màn, rèm”, kỹ sư Nguyễn Bảo Vinh khuyến cáo.
Theo một cán bộ Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn Cứu hộ, với dạng nhà ống, khi phát hiện cháy, điều trước tiên chủ nhà cần làm là bình tĩnh, suy xét và báo động cho tất cả người trong nhà cùng thoát ra ngoài.
Nếu cửa ra bị lửa khói bao trùm thì cần tìm lối thoát khác như ban công, cửa sổ qua nhà bên cạnh, thang dây thoát xuống mặt đất, trổ lối thoát lên mái…
“Tuyệt đối không ẩn nấp trong phòng hoặc nhà vệ sinh. Trường hợp không còn cách nào khác buộc phải băng qua lửa hãy dùng chăn ướt quấn quanh người và thoát ra ngoài. Nếu có khói dày đặc hãy dùng khăn ướt bịt mũi và miệng, cúi sát người xuống sàn rồi men theo tường để tìm đường thoát ra ngoài”, cán bộ này hướng dẫn.
Cháy nhà ở TP Thủ Đức, 6 người trong gia đình tử vong
Căn nhà nằm gần vòng xoay Mỹ Thủy, TP Thủ Đức cháy lớn rạng sáng nay khiến 6 người trong một gia đình tử vong.
Phương Anh Linh