Câu chuyện của Peter Mutabazi (49 tuổi), sinh sống ở Oklahoma (Mỹ), là một điều phi thường.
Tuổi thơ gian khó
Lớn lên ở vùng nông thôn Uganda, cha của anh là một người hay bạo hành gia đình. Đó là lý do vì sao Peter Mutabazi bỏ nhà đi năm 10 tuổi, trở thành một đứa trẻ đường phố ở thủ đô Kampala.
Anh thường xuyên phải ngủ dưới gầm các phương tiện, bán lạc ở trạm xe buýt và sống sót nhờ trái cây xin từ các cửa hàng ở chợ.
"Tôi lớn lên trong cảnh nghèo khó, có thể nói là nghèo nhất. Tôi trở thành một đứa trẻ đường phố và luôn cố gắng thay đổi cuộc đời mình", Peter nói.
Anh sống như vậy trong khoảng 5 năm, làm việc cho mọi người trong chợ để đổi lấy chuối, đồ ăn. Nhưng dù chỉ có chút thức ăn ít ỏi, anh vẫn chia sẻ với những đứa trẻ khác.
Anh không có hy vọng vào tương lai cho đến khi gặp một người đàn ông tên là James. Người này đã giúp anh quay trở lại trường học, trả học phí hộ anh.
Cuộc đời Peter thay đổi từ đó. Anh học tập chăm chỉ và thường xuyên đi làm tình nguyện. Sau khi hoàn thành các chương trình học ở Uganda, Anh và Mỹ, anh trở thành quản lý của một tổ chức phi chính phủ, gây quỹ tài trợ cho trẻ em các nước đang phát triển, theo CNBC.
Trở thành cha nuôi
Peter Mutabazi chuyển đến Mỹ sinh sống được 18 năm. Khoảng đến năm 43 tuổi, anh bắt đầu nhận con nuôi. Suốt 7 năm qua, anh đã một mình nhận nuôi 36 đứa trẻ.
Để được chấp thuận làm cha nuôi, anh phải trải qua nhiều cuộc phỏng vấn và kiểm tra lý lịch, đồng thời tham gia các lớp học được gọi là MAPP. Tại đây, anh được học phương pháp tiếp cận kiểu mẫu trong việc nuôi dạy con cái, nhằm đào tạo cha mẹ nuôi cách hiểu những đứa trẻ trải qua chấn thương tâm lý.
Anh chưa kết hôn. Dữ liệu liên bang cho thấy chỉ có khoảng 3% cha mẹ nuôi là đàn ông độc thân. Kể từ khi trở thành cha nuôi, anh đã đón tiếp nhiều đứa trẻ thuộc mọi chủng tộc và nền văn hóa.
Một số người con nuôi của anh đã được đoàn tụ với gia đình, trong khi những đứa khác vẫn được anh chăm sóc cho đến bây giờ.
Trải qua nhiều năm, một mình chăm sóc 36 đứa trẻ, anh có nhiều kinh nghiệm giúp con luôn yêu thương bản thân, sống lạc quan, vượt qua tổn thương.
Đối phó với sự tức giận
Đứa trẻ đầu tiên mà Peter nuôi dưỡng là một cậu bé 5 tuổi. Lúc mới về nhà, mỗi khi tức giận, cậu bé hay la hét.
"Có lần, cháu khóc suốt 3 tiếng đồng hồ, cuối cùng cháu chỉ hỏi tôi là bố có thể ôm con được không. Ngay sau đó, cậu bé đã thay đổi trạng thái", anh nhớ lại.
Cách tiếp cận của anh là nói động viên, làm mọi cách để giúp đứa trẻ bình tĩnh hơn, điều tiết, kiểm soát cơn giận. Đồng thời, để trẻ biết rằng anh luôn ở đó để giúp đỡ. Cậu bé ở với anh khoảng 6 tháng trước khi chuyển đến sống với một người dì.
Động viên con, nói những lời khẳng định
Khi Peter sống với James, anh thường mang theo cuốn sổ và viết ra những điều tích cực mà James thường nói để động viên anh.
Cuốn sổ này trở thành kim chỉ nam giúp anh biết cách nói chuyện với những đứa trẻ khác, động viên và giúp họ có suy nghĩ tích cực hơn.
"Tôi ghi nhớ và hay dùng các cụm từ như con rất quan trọng, con đặc biệt, con dũng cảm, con là một món quà...", anh chia sẻ.
Những lời nói đó đã giúp anh nuôi dạy tốt cậu con trai Anthony. Cậu bé đến với anh khi 11 tuổi vì bị gia đình bỏ rơi. Anh phải tìm cách tiếp cận và trấn an cậu bé rất nhiều.
Cho đến lúc này, cậu bé vẫn ở cùng Peter. Những lời khẳng định thực sự giúp cậu bé biết rằng bố nuôi luôn yêu thương cậu dù trong hoàn cảnh nào.
Khen ngợi cả những thành tích nhỏ
Ghi nhớ những thành tích nhỏ của con là cách Peter động viên con kịp thời và thể hiện tình yêu thương với những đứa trẻ.
Nếu một đứa trẻ gặp khó khăn trong việc dọn dẹp giường, anh thường khuyến khích chúng từng chút một. "Tôi nói với các con rằng điều đó thật tuyệt vời và tôi biết ơn vì con đã giúp đỡ tôi", anh nói.
Điều này giúp trấn an những đứa trẻ rằng anh luôn quan tâm và biết ơn họ. Anh luôn thể hiện tình yêu, sự tận tuỵ của mình với con qua những điều nhỏ nhặt nhất. Nếu con thất bại ở một điều gì đó lớn hơn, con sẽ có thêm niềm tin rằng bố vẫn yêu thương chúng.
Tuổi dậy thì của con
Nhiều cha mẹ tìm đến Peter để xin tư vấn về cách nuôi con ở tuổi dậy thì. Theo anh, khi con đến độ tuổi này, cha mẹ nên đặt mình là người cố vấn thì có lợi hơn. Các bậc cha mẹ nên nhìn con qua lăng kính của con. Ở tuổi này, con đang thay đổi nội tiết tố và có thể dễ cảm thấy áp lực, tổn thương từ bạn bè, gia đình.