Với dân số vào khoảng 170.000 dân, Tekes được thành lập vào năm 1937 và nhanh chóng thu hút được sự chú ý của truyền thông nhờ quy hoạch độc đáo. Tương truyền bố cục bát quái của thành phố được thiết kế bởi một giáo sĩ nhà Tống, mang tên Qiu Chuji. Tất cả đường xá đều được quy về một điểm là quảng trường Bát Quái có chiều cao 50m. Toàn thành phố được xây 3 vành đai vàng. Vành đai thứ nhất là quảng trường lớn, vành đai thứ 2 là các tòa nhà dịch vụ công cộng và cửa hàng, vành đai thứ 3 chính là nhà ở của cư dân. 

Trung tâm thành phố Tekes là Quảng trường Bát quái cao 50 mét. Ảnh: Sky City

Từ quảng trường Bát Quái ở thành phố Tekes sẽ có tám con đường chính gồm Càn, Khôn, Tốn, Chấn, Khảm, Ly, Cấn, Đoái, mở rộng ra khắp mọi hướng tạo nên các đường thoát nước nhanh khu lũ đổ về.

Do ở phía trên là sông Yili, xung quanh là thung lũng nên hàng năm khi đến mùa mưa, thành phố bát quái lại đối diện với các thiên tai lũ lụt, ngập nước nên việc quy hoạch như vậy được coi là giải pháp tối ưu. Thêm điểm đặc biệt nữa là Tekes cao ở phía Bắc rồi thấp dần về phía Nam nên mưa lũ có đến đột ngột cũng sẽ không bị lụt. 

Thành phố bát quái được thiết kế theo dạng, cứ khoảng 360m thì lại đặt một cung tròn. Từ trung tâm hướng ra ngoài sẽ có bốn đường tròn. Ở trong cung tròn đầu tiên có 8 cung đường, vòng 2 chia thành 16 tuyến đường, vòng thứ 3 chia thành 32 ngả, vòng thứ 4 chia thành 64 ngả. Tất cả con đường này hệ thống nên Bát Quái 64 quẻ, đúng với số lý Kinh Dịch: 64 quẻ 386 hào.

Ngoài ra, một điểm đặc biệt khác ở Tekes là thành phố này không có hệ thống đèn giao thông bởi lẽ các con đường được nối thông với nhau theo hình vòng cung nên sẽ không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông và các phương tiện dù cho đi theo hướng nào cũng sẽ đến được đích. Tuy nhiên, để tránh bị lạc thì mỗi con đường đều có bảng chỉ dẫn.

Tekes được đưa vào danh sách thành phố lịch sử và văn hóa của Tân Cương sau đó được nhà nước Trung Quốc công nhận là thành phố lịch sử và văn hóa cấp quốc gia năm 2007.

Từ thành phố này, du khách có thể đi tới hồ Akekule trên núi cao với nước trong vắt, màu xanh lam, mùa đông đóng băng, mặt hồ phẳng lặng như tấm gương. Vào mùa hè, khí hậu quanh hồ mát mẻ, không khí trong lành.

Đồng cỏ Kalajun nằm ở độ cao 1600-2800m cũng là địa danh được nhiều du khách lui tới. Nếu có dịp tới đây, đừng quên đến ngâm mình trong suối nước nóng Quokesu với nhiệt độ trung bình 40-50 độ C.

Thời gian du lịch tốt nhất từ tháng 5-9, tuy nhiên khi đến đây, du khách nên mang theo quần áo mùa đông do chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm rất lớn.

Đỗ An (Tổng hợp)