- Chủ tịch Hiệp hội vân tải ô tô VN Nguyễn Văn Thanh đã thốt lên như vậy tại Hội nghị báo cáo tình hình giảm giá cước vận tải ô tô do Bộ GTVT tổ chức sáng nay (22/2).
>>Hà Nội yêu cầu giảm giá cước vận tải
Mỗi lần tăng, giảm cước rất tốn kém?
Mở đầu cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu các DN cần phân tích, đánh giá để đưa ra định hướng khi giá xăng dầu giảm sâu thì giá cước vận tải phải giảm.
Ông Trường nói rõ, hiện nay còn nhiều DN đưa ra lý do khác nhau để không chấp nhận giảm giá cước, nhưng khi giá xăng dầu tăng thì tăng cước ngay.
ÔNg Nguyễn Văn Thanh phát biểu tại Hội nghị sáng nay. |
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cho hay, việc đài báo nêu DN vận tải chây ì giảm cước, “móc túi” người tiêu dùng khiến ông rất đau lòng và thấy nhục. Do vậy, cần phải phân biệt chỉ rõ những DN làm ăn bậy bạ và yêu cầu phải giảm giá cước khi giá xăng dầu giảm.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng nêu lên thực tế, việc kê khai giá của DN rất phức tạp, nhiêu khê. Do vậy, cần phải giảm thủ tục để DN làm nhanh, kịp thời.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP. HCM cũng cho hay, các DN taxi thực sự không thích tăng - giảm giá cước vì mỗi lần điều chỉnh rất tốn kém.
Ông Vũ Đức Hoàng, Phó TGĐ Công ty xe khách Hoàng Long thì cho rằng, giá cước vận tải cao thấp còn phụ thuộc vào chất lượng phục vụ, vì thực tế giá cước Hoàng Long đắt hơn các hãng khác cùng tuyến 10.000 đồng, nhưng người đi xe lúc nào cũng đông vì xe đi đúng giờ, không bắt khách dọc đường.
Nhiều DN vận tải cũng nêu ra lý do vì DN vận tải phải chịu nhiều loại phí như: phí đường, phí đăng kiểm… nên ngoài lý do thủ tục rườm rà thì trong tính toán thấy chưa thể giảm giá cước.
Cần số hóa để minh bạch giảm giá cước
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, nhà nước nên thay đổi tư duy về quản lý giá. Và trong sửa đổi thông tư 152 sắp tới nên quy định cụ thể, nếu xăng dầu giảm từ 5-7% thì giảm giá cước và không cần phải giải trình gây mất thời gian, tốn kém cho DN.
Nhiều DN vận tải vẫn chây ì không giảm giá cước khi giá xăng dầu liên tiếp giảm. |
Nếu được như vậy, chiều hôm trước giá xăng dầu giảm thì sáng hôm sau có thể điều chỉnh giảm giá cước ngay.
Đồng tình quan điểm, đại diện DN vận tải Vinasun cho rằng, cần số hóa giá cước vận tải. Cụ thể, có thể quy định giá vận tải sẽ lên xuống 2% khi giá nhiên liệu tăng giảm 10%.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng thẳng thắn nêu hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước khi cho rằng: Bộ Tài chính nói giá cước vận tải quản lý theo cơ chế thị trường, nhưng qua việc thống kê giảm giá cước vừa qua cho thấy cán bộ không nắm được quy trình.
Ghi nhận tất cả các ý kiến kiến nghị cũng như bức xúc của các DN vận tải, đại diện Cục quản lý giá (Bộ Tài Chính) cho biết, sẽ cùng với Bộ GTVT xem xét để ban hành sửa đổi thông tư 152 cho phù hợp hơn.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ thừa nhận việc quản lý giá hiện nay chưa tốt. Mỗi lần nhiên liệu giảm chỉ kiểm tra đốc thúc.
Theo Thứ trương Thọ, nhiên liệu chiếm 25 - 35% chi phí trong hoạt động kinh doanh vận tải, nên dứt khoát khi giá xăng dầu giảm thì giá cước phải giảm.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, cần phải xây dựng công thức tính giá cước cho hợp lý. Như giá xăng dầu giảm 10% thì tác động giá cước vận tải 2 - 3%. Bộ Tài chính cần ban hành quy trình triển khai, kê khai giá cước một cách đơn giản để không gây mất thời gian làm thủ tục cho DN.
Vũ Điệp