- Phó bí thư xã Đinh Long Thọ còn là một thầy lang nổi tiếng chuyên trị các bệnh gan, thận. Các bệnh nhân chỉ uống thuốc sắc từ cành và vỏ cây.
Thầy mo chịu thuốc thầy lang
Chúng tôi đến xóm Cộng (xã Quy Hậu, huyện Tân Lạc, Hòa Bình) hỏi thăm thầy lang Đinh Long Thọ (SN 1968), chuyên chữa các bệnh về gan, thận thì được người dân chỉ đường đến… trụ sở xã.
Thì ra, công việc chính của ông Đinh Long Thọ là Phó bí thư xã Quy Hậu. Giờ hành chính ông ở công sở, bốc thuốc chỉ làm ở nhà khi nhàn rỗi để giữ nghề gia truyền.
Có vẻ bối rối khi khách gọi mình là thầy lang, ông cười: "Chính xác thì bà nội và bố tôi mới là những thầy lang đích thực, cả đời chuyên tâm với nghề thuốc. Còn tôi tuy được truyền nghề, nhưng thực chất chỉ là lưu giữ những kinh nghiệm và các bài thuốc của gia đình. Có lẽ nghỉ hưu tôi mới có nhiều thời gian cho nghề này".
Thầy lang Thọ tranh thủ làm thuốc tại nhà |
Kỳ thực, khắp cả vùng Mường Bi, Mường Khến … những bệnh nhân khi mắc bệnh gan thận đều truyền tai nhau tìm đến ông lang Thọ. Thầy mo cao tay thuộc hàng bậc nhất của xứ Mường là Bùi Văn Lựng (xóm Lầm, xã Phong Phú, Tân Lạc) cũng đang uống thuốc chữa gan của ông Thọ.
Ông Lựng cho biết: "Nghề mo của tôi liên quan đến việc thức đêm nên rất mỏi mệt. Nhiều đám mo tôi phải thức ròng rã mấy đêm liền, không uống rượu thì không chịu nổi. Chính vì vậy, gan của tôi hỏng hết, phải tìm thầy lang Thọ xin thuốc".
Thầy mo Bùi Văn Lựng rất tin tưởng thầy lang Thọ |
Theo ông Lựng, với uy tín nghề mo, lại sống giữa Mường Bi cổ kính nhất Hòa Bình thì ông hoàn toàn có thể tìm cho mình những bài thuốc tốt nhất về bệnh gan. Nhưng bệnh ông càng nặng, đau đớn và khổ sở vô cùng.
Chỉ khi dùng vài thang thuốc của lang Thọ, thấy cơ thể có chuyển biến tích cực, ông mới dùng thường xuyên. Lúc nào ông cũng đun sẵn một nồi nước thuốc ở nhà, uống thay nước lọc.
Đánh tan sỏi thận bằng vỏ cây
Còn anh Bùi Văn Phận (Phó trưởng Công an xã Phong Phú, huyện Tân Lạc) thì tin tưởng hoàn toàn về bài thuốc chữa sỏi thận của thầy lang Thọ.
"Tôi chỉ uống chừng ba gói thuốc của thầy Thọ, toàn cành và vỏ cây đun sôi. Uống thay nước hàng ngày, kiêng khem như thầy dặn. Thế mà sỏi thận cũng bật ra được, đến nay đã khỏi hẳn, không thấy có lại nữa" - anh Phận nói.
Bên xã Lỗ Sơn (huyện Tân Lạc) cũng có một người đàn ông bị sỏi thận, tiểu tiện ra máu, đau đớn không thể chịu nổi. Nhà túng thiếu, ông cắn răng bán đi con trâu được 20 triệu đồng để chuẩn bị đến viện xin mổ.
Hàng xóm biết chuyện, bảo: "Mổ thì sớm hay muộn một vài ngày không sao. Thử qua thầy lang Thọ bốc vài thang thuốc uống xem sao, nếu tốt thì may phúc, đỡ tốn tiền lại không bị sẹo”.
Quả nhiên, một thời gian ngắn sau, người nông dân tìm sang nhà thầy lang Đinh Long Thọ với ba viên sỏi thận trong tay, cười như được mùa. Số tiền ông bán trâu mua thuốc chỉ tiêu hết khoảng 300 ngàn đồng.
Thuốc ở rừng sâu khỏi bệnh nhanh hơn
Theo lời ông Đinh Long Thọ, gia đình ông vốn ở trung tâm Mường Bi, có nghề thuốc từ lâu đời. Không kể con trai con gái, ai có tư chất y dược thì sẽ được người lớn truyền lại để giữ nghề.
Nguồn dược liệu quý đang mất dần vì rừng cạn kiệt |
Bà nội ông là thầy lang Bùi Thị Nhẽ nổi tiếng Mường Bi. Bố ông là Đinh Long Đông, hồi kháng chiến là y sĩ, rồi làm Trạm trưởng y tế xã Quy Mỹ, nên được bà nội truyền nghề cho, cũng là một thầy lang danh tiếng.
Không chỉ có nghề gia truyền, ông Thọ còn được người bố nuôi là lang y Bùi Ngọc Bích (Ninh Vân, Ninh Bình) dạy bốc thuốc. Bản thân ông cũng trực tiếp bốc thuốc, suy ngẫm rất nhiều về những bài thuốc trong suốt hơn 10 năm qua.
"Mỗi lần vào rừng lấy thuốc, tôi cố gắng tìm vào những khu rừng sâu, nguyên sinh. Cũng loại cây thuốc ấy nhưng dường như tốt hơn cây thuốc ở rừng tạp, bệnh nhân khỏi bệnh nhanh hơn nhiều.
Chính vì vậy, tại những cuộc gặp mặt các lang y, tôi luôn đề cao việc bảo vệ rừng, cần có hành lang pháp lý để bảo vệ nguồn dược liệu quý báu. Không còn rừng thì nghề bốc thuốc cũng mai một đi thôi” - ông Thọ nói.
Ông Thọ cho biết thêm: "Vì chưa có thời gian, nên tôi chỉ chuyên vào các bài thuốc gia truyền về gan, thận và đường tiêu hóa. Những trường hợp bệnh nặng, bệnh viện đã trả về tôi ưu tiên chữa trước và thường thì bệnh nhân đỡ hẳn".
Hiện nay, con trai lớn của ông Thọ là Đinh Đức Chí đang theo học năm thứ 4 tại Học viện Y dược học cổ truyền. Khi con trưởng thành, ông sẽ truyền lại nghề cho con để giữ nghiệp nhà.
Lê Quân