Sáng nay (8/12), Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII bước vào phiên bế mạc, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch HĐND tỉnh đã phát biểu nhiều nội dung, trong đó có việc hồ Kẻ Gỗ xả lũ khiến dư luận hết sức quan tâm.

{keywords}
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng

Ông Dũng cho biết, năm 2020 và những năm gần đây tình hình thời tiết diễn biến dị thường, khó dự báo và khả năng thời gian tới sự không bình thường và dị thường này sẽ trở thành hiện tượng bình thường do biến đổi khí hậu.

Đối với các trận lũ vào tháng 10 vừa qua, do lượng mưa quá lớn, ảnh hưởng triều cường, trong khi hệ thống hạ tầng thoát lũ chưa phát huy hiệu quả đã gây ngập lụt nặng, mất mát, hư hỏng nhiều tài sản của người dân vùng hạ du.

"Tuy vậy, vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm là nếu chúng ta chủ động điều tiết xả lũ sớm hơn khi khí tượng thủy văn dự báo mưa rất to chắc hậu quả sẽ đỡ hơn. Hay trong tình huống buộc phải xả lũ với cường độ rất lớn, chúng ta phải phát huy hết các kênh thông tin thì người dân sẽ chủ động hơn trong ứng phó", ông Dũng nói.

Chủ tịch HĐND tỉnh nhận định, đối với vấn đề xả lũ của hồ Kẻ Gỗ, trong quá trình chất vấn và trả lời, nhân dân và cử tri còn phân tâm.

{keywords}
Dân nghèo Hà Tĩnh trắng tay sau cơn đại hồng thuỷ

Ông Dũng yêu cầu ngành chức năng tính toán kĩ khối lượng nước cần tích trữ trong mùa mưa của hồ Kẻ Gỗ để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Căn cứ vào diện tích đất sản xuất đang dần thu hẹp để cân đối khối lượng nước tích trong hồ theo đề xuất của một số đại biểu HĐND.

“Chúng ta phải khẳng định, thiên tai khó chống lại, nhưng nếu chúng ta chủ động trong phòng chống thì có thể giảm thiểu các tác động”, ông Dũng nói.

Chủ tịch HĐND Hà Tĩnh cho biết, đối với hạ du hồ Kẻ Gỗ, hiện nay Bộ NN&PTNT đã đề xuất Chính phủ nâng cấp sửa chữa trong thời gian tới. UBND tỉnh và ngành nông nghiệp phối hợp triển khai, chủ động soát xét lại các giải pháp an toàn hồ chứa, an toàn hạ du để thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, nhanh chóng xây dựng bản đồ ngập lụt để hạn chế đối với thiên tai gây ra.

Đối với việc xây nhà tránh lũ tránh bão, Hà Tĩnh đạt chỉ tiêu trong tháng 12 này và trong quý I/2021, sẽ khởi công xây dựng tại mỗi huyện thị ít nhất từ 1 đến 2 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp với tránh bão lụt. Xây từ 50 - 100 nhà ở kiên cố cho người dân.

“Sau đợt lũ vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ 1.000 nhà ở cho người dân, giá trị hỗ trợ từ 60 - 70 triệu đồng/nhà” - ông Dũng thông tin.

Mực nước vượt cao trình, 31 tiếng mới xả lũ

Theo báo cáo của Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, lúc 7h ngày 15/10 mực nước trong hồ Kẻ Gỗ ở cao trình 25,8m thấp hơn ngưỡng tràn xả lũ là 0,7m (ngưỡng tràn xả lũ của hồ Kẻ Gỗ là 26,5m - PV).

{keywords}
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt

Lúc 6h ngày 17/10 mực nước trong hồ ở cao trình 26,62m cao hơn ngưỡng xả lũ là 0,12m. Đến 6h ngày 18/10 mực nước trong hồ ở cao trình 29,13m cao hơn ngưỡng xả lũ là 2,62m; đến 13h cùng ngày, mực nước trong hồ lên ở cao trình 30,7m, lúc này hồ Kẻ Gỗ mới bắt đầu xả lũ.

Từ báo cáo này, đại biểu Trần Viết Hậu (tổ đại biểu huyện Đức Thọ) nêu câu hỏi, khi mực nước đạt đến cao trình 26m thì đã xả để đón lũ hay chưa?

Vấn đề này ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hồ Kẻ Gỗ thiết kế 2 cửa xả đều nằm ở cao trình 26,5, do đó khi mực nước ở trong hồ không đạt đến cao trình này thì không thể xả và thực tế không có nước để xả.

{keywords}
Đại biểu Nguyễn Viết Hậu.
{keywords}
Đại biểu Đoàn Đình Anh.

Câu trả lời của tư lệnh ngành nông nghiệp đã khiến nhiều đại biểu và cử tri phân tâm.

Theo số liệu gửi tới các đại biểu HĐND, kể từ lúc 6h sáng ngày 17/10 cho đến 13h ngày 18/10, trải qua suốt 31 giờ nước trong hồ Kẻ Gỗ đã vượt ngưỡng tràn nhiều mét nhưng đơn vị vận hành không thực hiện việc xả tràn để đón lũ.

“Vì sao ngay từ đầu xả rất nhỏ sau đó mới xả lớn. Tại sao không tăng tốc xả từ trước để cắt bớt lũ cho vùng hạ du. Việc này có vấn đề gì về quy trình không”, đại biểu Đoàn Đình Anh (tổ đại biểu huyện Cẩm Xuyên) chất vấn lại.

{keywords}
Hồ Kẻ Gỗ xả tràn đợt lũ thứ 2, tháng 10/2020

Ông Việt khẳng định, hồ Kẻ Gỗ xả lũ đúng quy trình. Có sự thống nhất từ Bộ NN&PTNT cho đến ngành chức năng của tỉnh.

"Vừa qua là tình huống khẩn cấp nhưng đã ứng phó một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện, để đảm bảo được an toàn, tránh xác suất vượt tràn sẽ thiệt hại lớn hơn nhiều", tư lệnh ngành NN&PTNT Hà Tĩnh nói.

“Đây là tình huống bất thường, chỉ trong vòng 24 giờ mức nước lên quá nhanh, quá lớn nên vào sáng ngày 18/10 thông báo thì buổi chiều bắt đầu xả” - ông Việt nói.

Tuy nhiên vị giám đốc Sở cũng phải thừa nhận có sự chủ quan trong điều tiết xả tràn khi điều kiện thời tiết vượt ngoài dự báo.

Lê Minh

Hồ Kẻ Gỗ xả lũ ngập lịch sử: Có sự chủ quan vì ngoài sức dự báo

Hồ Kẻ Gỗ xả lũ ngập lịch sử: Có sự chủ quan vì ngoài sức dự báo

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho rằng, đợt mưa lũ vừa qua là việc chưa từng xảy ra, nên có sự chủ quan vì ngoài sức dự báo.