Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết ông thấy rất đau lòng, xấu hổ với nhân dân Hậu Giang về vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh.

Ngày 18/7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu Ban Tổ chức TƯ, Bộ Nội vụ, Bộ Công thương, Ban Thi đua - Khen thưởng TƯ, Bộ Công an, UB Kiểm tra TƯ, Tỉnh ủy Hậu Giang, tập đoàn Dầu khí quốc gia VN làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan về các khuyết điểm, vi phạm liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, tỉnh uỷ viên, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Vậy Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và cá nhân Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang có những khuyến điểm, vi phạm gì trong vụ việc này? Trao đổi với ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang:

{keywords}
Ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang.Ảnh: Báo Giao thông

Thưa ông, khi tiếp nhận ông Trịnh Xuân Thanh, Hậu Giang căn cứ vào những hồ sơ về công tác cán bộ của các bộ, ngành hay cơ quan TƯ nào?

Ông Trần Công Chánh: Hậu Giang muốn có một Phó Chủ tịch phụ trách Khu công nghiệp, bởi đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp; chẳng nhẽ, Hậu Giang cứ nông nghiệp mãi sao. Anh Bảy Chắc (ông Huỳnh Minh Chắc - nguyên Bí thư Tỉnh ủy) đã làm việc với Ban Tổ chức TƯ cùng một số bộ, ngành để giúp chúng tôi về việc này.

Ngay sau khi ông Lê Hồng Tịnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh được luân chuyển công tác, qua giới thiệu của đồng chí này, rồi đồng chí Bảy Chắc đi làm việc với TƯ, cũng được giới thiệu về ông Trịnh Xuân Thanh. Nhận xét của các cơ quan, đặc biệt là Bộ Công thương, Ban cán sự Đảng bộ Công thương rất kỹ lưỡng. Chúng tôi thấy đảm bảo, còn những chuyện trước đó, chúng tôi không biết.

Đồng chí Bí thư (Bảy Chắc) cũng đã trực tiếp làm việc với Ban Tổ chức TƯ. Văn bản của Ban Tổ chức TƯ không nói rõ đồng chí này là tích cực hay tiêu cực nhưng đồng ý theo đề nghị của Tỉnh ủy Hậu Giang.

Trong quá trình tiếp nhận ông Trịnh Xuân Thanh, ông có thấy điều gì bất thường không?

Sau khi có quyết định của Bộ Công thương thuyên chuyển ông Trịnh Xuân Thanh vào trong này, tiếp nhận văn bản của Bộ Công thương, tôi thấy có những chuyện phải quan tâm.

Vì sao cán bộ luân chuyển nhưng trong Kết luận 146-KL/TW, ngày 4/10/2013 của Bộ Chính trị thì không có ông Trịnh Xuân Thanh. Nhưng Bộ Công thương lại quyết định cái này.

Bí thư (Bảy Chắc) hỏi Ban Tổ chức TƯ về việc này thì được biết, nếu không nằm trong kế hoạch luân chuyển theo Kết luận 146 thì việc điều động, xin về làm Phó chủ tịch thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Lúc đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện đúng công việc bầu chức danh này, không bỏ qua giai đoạn nào.

Đề án nhân sự cũng được Bộ Chính trị phê duyệt, trong đó, một Phó Bí thư được luân chuyển và ông Trịnh Xuân Thanh thuyên chuyển từ Bộ Công Thương về, rất rõ ràng.

Hậu Giang có một phần trách nhiệm trong vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh được luân chuyển về. Vậy trách nhiệm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và cá nhân ông là gì?

Sau khi có quyết định 202 của UB Kiểm tra TƯ thành lập theo chỉ đạo của Tổng bí thư và qua quá trình làm việc ở đây, ngoài được thông báo kết luận ở Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), các đồng chí trong đoàn kiểm tra cho rằng, Hậu Giang có khuyết điểm trong quy trình luân chuyển cán bộ, rồi cấp biển số xanh cho ông Trịnh Xuân Thanh.

Đoàn kiểm tra nói rằng, Hậu Giang có sai sót trong thẩm định hồ sơ cán bộ trước khi nhận về và không thực hiện quy trình xin ông Trinh Xuân Thanh trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Thực sự, đúng là Ban Thường vụ Tỉnh uỷ không có cuộc họp này. Chúng tôi có trách nhiệm trong sự việc này là đúng. Lẽ ra, sau khi làm văn bản, phải báo cáo với Thường vụ trong cuộc họp Thường vụ thì đúng hơn, nhưng chúng tôi chỉ thông tin qua điện thoại để lấy ý kiến của anh em.

Về nguyên tắc, phải thông qua tập thể Thường vụ ngay từ đầu. Nhưng sau đó, chúng tôi có báo cáo đàng hoàng, chứ không phải bao che, bưng bít, chạy chọt để lo chuyện đó cả.

Mặc dù mình là người kế thừa nhưng dẫu sao, trước đây, tôi vẫn là Thường trực Tỉnh ủy. Tôi nghiêm túc nhận cái này.  

Về việc thiếu thẩm tra trước khi tiếp nhận ông Trịnh Xuân Thanh. Chúng tôi có nhận xét đầy đủ của Ban cán sự Đảng bộ Công Thương và đồng chí này có quy hoạch Thứ trưởng Bộ Công thương. Quy hoạch thì TƯ ký, tôi đâu ký được. Tôi nghĩ như thế là đầy đủ rồi.

Hậu Giang từ khi tách tỉnh, các đồng chí cán bộ luân chuyển về, chưa bao giờ được đi thẩm định các đồng chí này.

{keywords}
Ông Trịnh Xuân Thanh (phải) ngày được bầu làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Báo Hậu Giang

Tôi nghĩ rằng, TƯ đưa về thì các đồng chí này đã đủ tiêu chuẩn để đảm trách các vị trí chủ chốt. Cho nên từ xưa đến nay, chưa có xác minh nào đối với cán bộ luân chuyển.

Thẩm tra, xác minh trước khi nhận, tôi không biết công việc này có đúng thẩm quyền của Hậu Giang hay không? Vì vậy, đề nghị TƯ nên nói rõ về việc này. Nếu thấy rằng việc không thẩm tra, không xác minh là sai sót của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh uỷ hoặc cá nhân đồng chí nào, chúng tôi nghiêm túc nhận sai sót, rút kinh nghiệm trong thực hiện quy trình điều động, bổ nhiệm luân chuyển hay thuyên chuyển cán bộ.

Theo nguyên tắc, đối với cán bộ hàm vụ trưởng có quy hoạch thứ trưởng thì do TƯ, trong đó có Bộ Nội vụ trực tiếp quản lý, không thuộc đối tượng chúng tôi trực tiếp quản lý.

Về biển số xe, tôi nghiêm túc nhận khuyết điểm và đã kịp thời khắc phục ngay. Bản tự kiểm của tôi đã viết sẵn, để mấy tháng nay.

Tới đây, Ban thường vụ Tỉnh ủy, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ họp về sự việc này. Nội dung các cuộc họp có đề cập tới tư cách tỉnh ủy viên của ông Trịnh Xuân Thanh không?

Về chuyện thâm cung bí sử của PVC, tôi không được thông tin. Tôi không nói là không biết nhưng hoàn toàn chưa được thông tin thì làm sao đặt vấn đề kiểm điểm ông Trịnh Xuân Thanh, buộc tội này, tội nọ được. Các cơ quan chuyên môn của Đảng, TƯ còn đang vào cuộc, cho nên rất khó xử.

Về trách nhiệm của Hậu Giang, riêng biển số xe và quy trình công tác cán bộ có khuyết điểm lúc ban đầu, chúng tôi sẽ làm nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm đúng theo nguyên tắc Đảng. Xét đến mức nào, đó là chuyện của tập thể quyết định.

Cuộc họp sẽ phân tích các giải trình, rồi xem xét của tập thể mới đi đến kết luận bằng phiếu kín. Lúc bấy giờ, đó mới là kết quả chính thức, được thực hiện đúng theo quy trình công tác của Đảng. Còn chuyện trước đó của ông Trịnh Xuân Thanh không thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang. Chúng tôi không thể gán ghép vô trách nhiệm được.

Là người đứng đầu địa phương, qua vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, bài học gì được rút ra cho Hậu Giang, thưa ông?

Tôi cũng nói thật, hai tháng nay, tôi rất đau đầu, khó ăn, mất ngủ trong sự việc này. Với trách nhiệm của người đứng đầu tỉnh, tôi thấy rất đau lòng, rất xấu hổ với nhân dân Hậu Giang. Hậu Giang đang đương đầu với nhiều khó khăn: Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn. Năm nay, khả năng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của tỉnh hết sức khó khăn.

Với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước sự chỉ đạo của Tổng bí thư, chúng tôi nhận thức rõ trách nhiệm này và quyết tâm lãnh đạo Đảng bộ. Khi có kết luận, xử lý đến nơi, đến chốn nhưng bên cạnh đó, còn phải có trách nhiệm lo cho sự phát triển của Hậu Giang, lo cho nhân dân Hậu Giang.

Bài học rút ra từ vụ việc này? Chúng tôi sẽ nghiêm khắc trong Ban Thường vụ, Ban chấp hành, ngay trong nội bộ của mình về quá trình xem xét, luân chuyển, điều động cán bộ. Chúng tôi hết sức thận trọng, đặc biệt là vấn đề đánh giá cán bộ. Hậu Giang phải xem xét lại chính bản thân mình, cần chỉ đạo, lãnh đạo, kiên quyết khắc phục. Đặc biệt, các đồng chí cán bộ chủ chốt tại các đơn vị phải tiêu biểu, gương mẫu, trách nhiệm; phải dân chủ, thực hiện đúng nguyên tắc Đảng trong tiến hành công tác cán bộ.

Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các cơ quan làm nghiêm túc, đúng qui định của pháp luật, đặc biệt về việc cấp biển số xe, tránh những hợp tương tự xảy ra.

Chúng tôi rất đau lòng, nhìn rõ lại trách nhiệm của mình trước Đảng bộ và nhân dân Hậu Giang. Nhưng công việc tiếp theo, chúng tôi sẽ làm tốt hơn, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội; đặc biệt trong công tác xây dựng Đảng, phải tiến hành một cách nghiêm túc hơn.

Theo VOV