Nghị quyết đại hội Đảng bộ Sơn La khóa XV được thông qua có 24 chỉ tiêu chủ yếu, tăng 5 chỉ tiêu so với Nghị quyết Đại hội khóa XIV. Trong đó có nhiều chỉ tiêu phấn đấu trong 5 năm tới được tỉnh đánh giá cao hơn hẳn và xác định sẽ rất khó khăn để thực hiện, như chỉ tiêu về thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/ năm, tăng 17 triệu đồng ; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt khoảng 120.000 tỷ đồng, tăng 40.000 tỷ đồng; đến hết năm 2025, có 1 huyện và 83 xã đạt chuẩn nông thôn mới…
Để đạt các mục tiêu khó mà Nghị quyết đề ra, Sơn La sẽ phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Về các nội dung này, PV VOV đã phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La.
PV: Trong 24 chỉ tiêu chủ yếu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã thông qua, đâu là những chỉ tiêu được xác định là khó thực hiện, thưa ông ?
Ông Nguyễn Hữu Đông:
Trong 24 chỉ tiêu chủ yếu phấn đấu, chúng tôi xác định chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng 7,5% là chỉ tiêu rất khó, vì trong điều kiện bình thường sẽ thực hiện được. Tuy nhiên, trong thời điểm vừa thực hiện nhiệm vụ kép, phòng chống Covid và phát triển kinh tế là rất khó, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng của cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.
Chỉ tiêu khó thứ hai, đó là về tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tỉnh phấn đấu 120.000 tỷ đồng. Nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh thực hiện được hơn 80.000 tỷ, nhiệm kỳ tới là cố gắng đạt 120.000 tỷ đồng. Với những dự án mà tỉnh xác định là lớn, tổng mức đầu tư sẽ tăng, ví dụ như đường cao tốc Hòa Bình- Mộc Châu, tổng dự án này trên 20.000 tỷ đồng; hay sân bay Nà Sản hoặc đường tránh thành phố và dự án của Vinamilk, dự án của tập đoàn TH đầu tư hàng nghìn tỷ nữa …hy vọng lên tới con số 120.000 tỷ đồng. Từ con số này sẽ nâng chỉ số khác. Tuy nhiên nếu dịch bệnh covid thì kế hoạch sẽ thay đổi, nguồn lực của Trung ương hỗ trợ cho tỉnh để làm đường cao tốc hoặc kế hoạch của Nhà đầu tư sẽ thay đổi.
Chỉ tiêu phấn đấu nữa mà tỉnh khó thực hiện là về thu nhập bình quân đầu người. Tỉnh xác định khoảng 60 triệu đồng một người một năm, với những vùng dọc Quốc lộ 6 thì sẽ đạt, nhưng với vùng cao, vùng biên giới, số thu nhập phấn đấu này sẽ thấp sẽ rất thấp.
PV: Vậy trong chương trình hành động, mục tiêu xóa nghèo cho bà con vùng cao, vùng biên giới, tỉnh sẽ triển khai thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Đông:
Với vùng cao, tỉnh rất trăn trở vì hiện nay bà con chủ yếu sống bằng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng nói chung, khai thác củi và chăn nuôi đại gia súc nhưng nhỏ lẻ, manh mún, đặc biệt các hộ nghèo còn rất cao, trong đó nhà tạm còn rất nhiều.
Tỉnh Sơn La xác định, ngoài 12.000 héc ta cây sơn tra hiện có, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu các loại cây, trong đó nghiên cứu chế biến sơn tra. Chúng tôi đã phối hợp với tập đoàn TH và họ đã đem sơn tra để triết suất, sau này sẽ tiêu thụ cho bà con. Thứ hai là trồng dược liệu dưới tán rừng, đây là chủ trương mà tỉnh sẽ báo cáo với Ủy ban dân tộc miền núi để thực hiện, đưa vào đầu tư. Thứ ba là tập trung chăn nuôi đại gia súc và chúng tôi rất mong muốn mỗi một hộ có một, hai con trâu hoặc bò, chăn nuôi theo hướng mô hình tập trung, vừa đảm bảo về vệ sinh môi trường, vừa đảm bảo các điều kiện chăn nuôi.
Theo rà soát hiện tỉnh vẫn còn khoảng 10.000 nhà tạm, chủ yếu ở các huyện nghèo, tỉnh sẽ tập trung huy động các nguồn lực để làm nhà cho bà con ổn định cuộc sống.
PV: Xin ông cho biết, những điểm mới trong chương trình hành động của Đảng bộ trong nhiệm kỳ 2020-2025?
Ông Nguyễn Hữu Đông:
Chương trình hành động của tỉnh Sơn La trong nhiệm kỳ này được làm rất sớm và được Trung ương khen. Bên cạnh dự thảo Nghị quyết đã ban hành được chương trình hành động và tại Đại hội dự thảo chương trình hành động đã được đưa ra để các đại biểu thảo luận tại tổ và tổng hợp, báo cáo với đoàn chủ tịch, sau đó tổng hợp đưa vào Nghị quyết trình tại đại hội thông qua.
Trong chương trình hành động này chúng tôi xác định có 9 đề án cần phải tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới, trong đó có 1 đề án về công tác xây dựng Đảng, tập trung củng cố hệ thống chính trị ở cấp xã, phường, thị trấn.
Thứ hai, về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, công tác đối ngoại nói chung, chúng tôi có 8 đề án để triển khai thực hiện, trong đó có những đề án mang tầm vóc tương đối lớn và cần có sự hỗ trợ của Trung ương cũng như sự vào cuộc của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
PV: Đảng bộ tỉnh Sơn La tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, của người đứng đầu các cấp, sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XV vào cuộc sống thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Đông:
Kinh nghiệm rút ra trong 5 năm qua, chúng tôi thấy vai trò lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp rất quan trọng. Tỉnh Sơn La có kinh nghiệm rất quý, đó là ngay từ việc ban hành nghị quyết đã trúng, đúng rồi nhưng việc triển khai đưa Nghị quyết vào cuộc sống rẩt quan trọng. Như nhiệm kỳ trước, Đảng bộ tỉnh đưa ra 7 chương trình trọng tâm, tỉnh đã thành lập 7 ban chỉ đạo về 7 chương trình này và các trưởng ban chỉ đạo này đều là các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Đó là vai trò của người đứng đầu. Cấp ủy các cấp, trong đó có Bí thư huyện ủy, Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện cũng phải vào cuộc quyết liệt. Ví dụ một việc nhỏ thôi, như bán sản phẩm nông nghiệp, Bí thư, Chủ tịch đều phải vào cuộc; Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm tổ trưởng tổ mua bán nông sản. Qua đó tôi cho rằng vai trò của tổ công tác, trách nhiệm của người đứng đầu, cấp ủy chính quyền và các sở, ngành rất quan trọng trong việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
PV:Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn./.
Theo VOV