Từ ngày 10 - 12/7, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa 17 tổ chức kỳ họp thứ 16. Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An dự và có bài phát biểu tại kỳ họp.

Mở đầu bài phát biểu, ông Dương Văn An nhìn nhận, kỳ họp thứ 16 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi thiếu Chủ tịch HĐND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh.  

"Có những nội dung thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định phải dừng lại. Nhiều thành viên UBND tỉnh do HĐND tỉnh bầu đang khuyết, thiếu, thay thế, nhưng việc bổ sung cũng chưa thực hiện được.

Mặt khác, 6 tháng đầu năm 2024 đối với tỉnh Vĩnh Phúc là 6 tháng đối diện với không ít khó khăn, thách thức, chịu tác động bởi nhiều yếu tố bên ngoài... Tình hình trong tỉnh có nhiều cán bộ chủ chốt bị khởi tố, bắt tạm giam, bị kỷ luật", ông An nêu vấn đề.

Theo ông An, dù trong bối cảnh nêu trên, tỉnh Vĩnh Phúc trong 6 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, tốc độ phát triển kinh tế có sự cải thiện đáng kể, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng ước đạt 6,26%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhấn mạnh, trong số 15 chỉ tiêu HĐND tỉnh đề ra, đến nay có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 5 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Từ nay đến cuối năm, tỉnh có khả năng sẽ hoàn thành các chỉ tiêu còn lại. 

"Điều rất phấn khởi là Vĩnh Phúc vẫn là vùng đất hấp dẫn các nhà đầu tư. 6 tháng đầu năm 2024, thu hút đầu tư FDI đạt 435,8 triệu USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2023 và vượt chỉ tiêu đề ra của kế hoạch năm 2024", ông An cho biết. 

IMG_A3263B5ABED4 1.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Vĩnh Phúc

Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đánh giá, trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, an sinh xã hội, an ninh, trật tự an toàn xã hội... cũng đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo tỉnh.

Tuy nhiên, ông An cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận tình hình phát triển kinh tế - xã hội, công tác quản lý nhà nước của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc và hạn chế, yếu kém. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh tuy có tăng lên song chưa có sự đột phá.

"Kết quả tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm của Vĩnh Phúc thấp hơn mức trung bình chung của cả nước, đứng thứ 32/63 tỉnh thành", ông An nói.

Theo ông An, tỉnh Vĩnh Phúc có tỉ trọng công nghiệp gần 50%, trong bối cảnh tăng trưởng trên nền tăng trưởng thấp của năm 2023, kết quả 6 tháng đầu năm 2024 là "rất đáng lo lắng". Hiện nay, một số tỉnh khác ở trong khu vực có cùng điều kiện đang phục hồi nhanh, tăng trưởng đạt được 2 con số nhờ vào phát triển công nghiệp và các lĩnh vực khác.

"Tôi dẫn ra một số số liệu để thấy rằng tỉnh có cố gắng, có tăng trưởng nhưng chúng ta chưa đạt được tăng trưởng 2 con số. Các tỉnh trong khu vực đã có mức tăng trưởng bứt phá, nếu chúng ta không đánh giá, không có phương pháp, giải pháp... thì sự phát triển của tỉnh sẽ tiếp tục gặp khó khăn", ông An nêu. 

Về phát triển kinh tế của tỉnh, ông An cho rằng thu ngân sách của tỉnh phụ thuộc nhiều vào ngành sản xuất ô tô, xe máy. Trong đó, chỉ có 2 công ty đã đóng góp khoảng 60% thu ngân sách nội địa hằng năm của tỉnh. 

Ông đánh giá, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào tỉnh dù đạt kết quả khả quan nhưng các dự án có số vốn đăng ký còn khiêm tốn. Tỉnh Vĩnh Phúc có 21 dự án FDI thì 12 dự án có số vốn đăng ký từ 1 - 5 triệu USD, là những dự án nhỏ.

Theo ông An, Vĩnh Phúc tăng trưởng dựa trên nền tảng tăng trưởng của ngành công nghiệp nhưng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp mới đạt trên 45% và còn 5 khu công nghiệp chưa được triển khai. 

Đề cập đến những khó khăn tỉnh đang đối mặt, ông An cho rằng "những tín hiệu trên chưa phải là kết quả vui mà còn rất nhiều việc phải làm nếu không tỉnh sẽ ngày càng tụt hậu so với các địa phương khác, vị trí dẫn đầu trong nhóm các tỉnh phát triển sẽ bị đánh mất".

Trong bài phát biểu của mình, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cũng dành nhiều thời gian để đề cập về vấn đề giải ngân đầu tư công và thực trạng phát triển lĩnh vực du lịch của tỉnh.

Ông An cho rằng, phát triển du lịch hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, dù đây được xác định là lĩnh vực mũi nhọn, trọng tâm phát triển. 

Doanh thu từ lĩnh vực du lịch của tỉnh đang ở mức thấp. Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay có 5,89 triệu lượt khách đến với tỉnh, doanh thu chỉ đạt 2.280 tỷ đồng. Theo ông An, mỗi khách du lịch đến tỉnh chỉ tiêu khoảng 370.000 đồng là con số "quá nhỏ", phản ánh tính hiệu quả của ngành du lịch còn rất thấp. 

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và nhiệm kỳ 2021 - 2026, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An nhấn mạnh, đây là giai đoạn có nhiều nhiệm vụ nặng nề. Các đại biểu HĐND tỉnh cần phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, trí tuệ, khắc phục khó khăn... để thực hiện thành công những mục tiêu đã đề ra.