Gia đình ông Nguyễn Văn Cảnh, ở thôn Phúc Sơn, xã Vạn Ninh, (Quảng Ninh, Quảng Bình) bao đời chỉ gắn bó công việc đồng áng. Làm việc vất vả, cực nhọc là thế nhưng gia đình ông vẫn chẳng đủ ăn.
Sau nhiều lần suy nghĩ, nhận thấy một phần diện tích đất hiện đang bỏ hoang của địa phương, ông Cảnh nảy sinh ý tưởng thầu khoán để cải tạo, biến nơi đây thành trang trại, chăn nuôi, trồng trọt.
Biến đất hoang thành trang trại chăn nuôi, nông dân ở Quảng Bình thoát nghèo |
Nghĩ là làm, năm 1995, gia đình ông quyết định thầu hơn 3ha đất rừng của UBND xã để cải tạo và xây dựng mô hình.
Trên vùng đất khô cằn sỏi đá, ông khai hoang, phát cỏ trồng sắn, dưa.
“Ban đầu, kỹ thuật chưa có, những lứa dưa đầu tiên quả nhỏ, sâu bệnh nên thu nhập của gia đình tôi không ổn định”, ông nhớ lại.
Năm 2001, khi dự án cao su của Quảng Bình được triển khai tại xã, lãnh đạo chính quyền địa phương đã đi “gõ cửa” từng hộ gia đình, vận động bà con trồng rừng phát triển kinh tế.
Nhờ sự tuyên truyền nhiệt tình của Hội ND xã cùng sự quyết tâm thoát nghèo, ông Cảnh đã mạnh dạn chuyển đổi 2ha sang trồng cao su để phát triển kinh tế.
“Tôi nhận thấy cây cao su là loại cây công nghiệp dài ngày, sau khoảng từ 8 - 9 năm mới cho thu hoạch cần trồng xen các cây khác giữa vườn cao su để ngăn cỏ dại xâm nhập. Vì thế tôi quyết định đầu tư trồng cao su”, ông cho hay.
Bên cạnh việc trông cây cao su, ông Cảnh còn học hỏi kinh nghiệm từ các kỹ sư nông nghiệp để tiếp tục vay vốn trồng thêm 100 gốc mít, 35 gốc tiêu, 100 gốc ổi ruột đỏ, rồi trồng siêu măng, mướp ngọt nhằm “lấy ngắn nuôi dài”.
Ngoài ra, tận dụng diện tích còn lại, ông còn đầu tư hệ thống trang trại chăn nuôi. Mỗi lứa ông nuôi từ 35-40 con lợn thương phẩm và từ 4-5 con lợn nái; đào hơn 1.500m2 thả cá lóc, nhận trồng thêm 12ha keo lai.
Hiện nay, vườn cao su của ông đã được khai thác. Thu nhập mỗi năm từ mô hình chăn nuôi trồng trọt từ 300-350 triệu đồng.. Nhờ đó, từ hộ nghèo, gia đình ông vươn lên thành hộ khá giả, có của ăn của để. Nhiều bà con trong huyện thấy mô hình của ông đạt hiệu quả cao đã đến học hỏi kinh nghiệm và được ông tận tình hướng dẫn.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn là hội viên, nông dân gương mẫu nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động của Hội, thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, là tấm gương sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Ninh Lê Thanh Long cho hay, ông Cảnh là một trong nhữngtấm gương điển hình trong xây dựng và phát triển kinh tế tại địa phương. Gia đình ông thường xuyên phối hợp với các đoàn thể địa phương giúp đỡ các hộ nghèo và giải quyết việc làm cho bà con trong thôn, xóm thông qua việc cung cấp cây, con giống và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất.
Bên cạnh đó, ông còn tham gia hiến đất, góp công để xây dựng nông thôn mới của thôn Phúc Sơn nói riêng, xã Vạn Ninh nói chung. Ông Cảnh xứng đáng là một gương nông dân sáng để mọi người noi theo.
Mạnh Hưng
Ảnh: Bích Hạnh