Tại các cuộc đối thoại ASEAN - Mỹ, Mỹ luôn đề nghị ASEAN và Trung Quốc sớm đàm phán COC và khẳng định tiếp tục hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN. Có 3 yếu tố ảnh hưởng đến ưu thế thương lượng của ASEAN: (i) tính đoàn kết của các thành viên, (ii) những giải pháp dự phòng và (iii) bối cảnh khu vực và quốc tế về vấn đề COC.
Binh pháp Tôn Tử có câu: "Biết ta biết người, trăm trận trăm thắng". Trong bối cảnh Trung Quốc đề nghị cùng ASEAN thúc đẩy tiến trình đàm phán COC thì việc làm rõ các ưu thế thương lượng của ASEAN là vô cùng cấp thiết. Đây sẽ là tiền đề để ASEAN xem xét các khả năng của mình trước một Trung Quốc "lắm mưu nhiều chước". Về cơ bản, có 3 yếu tố ảnh hưởng đến ưu thế thương lượng của ASEAN: (i) tính đoàn kết của các thành viên, (ii) những giải pháp dự phòng -BATNA (best alternative to the non-negotiable agreement), (iii) bối cảnh khu vực và quốc tế về vấn đề COC.
Câu chuyện bó đũa
Hơn bất kì tổ chức nào trên thế giới, ASEAN có lẽ đã học được rất nhiều từ sự chia rẽ của các thành viên.
Các đại biểu dự cuộc họp quan chức cao cấp ASEAN – Trung Quốc về triển khai DOC lần thứ 9. Ảnh: QĐND |
Trước đề nghị của Trung Quốc, cách nay mấy năm. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố: "ASEAN đã sẵn sàng, chúng tôi đang đợi phía Trung Quốc". Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng khẳng định ASEAN đã tìm được tiếng nói chung về vấn đề biển Đông.
Thế nhưng sau khi tính đoàn kết của ASEAN được phục hồi thì chuyến đi của Bộ trưởng Trung Quốc ngay sau đó lại đưa ra những chỉ dấu cho thấy Trung Quốc ngấm ngầm thực hiện chiêu bài "chia để trị".
Lúc này, bài học từ "câu chuyện bó đũa" thật sự là thử thách cho tinh thần đoàn kết của ASEAN.
Ai cần COC hơn?
Dưới góc nhìn những giải pháp dự phòng, ASEAN và Trung Quốc sỡ hữu mức độ ưu thế thương lượng khác nhau. Trong khi ASEAN luôn bày tỏ quyết tâm thúc đẩy việc ký kết COC nhằm tạo điều kiện giúp vấn đề Biển Đông sớm đạt được những triển vọng hòa bình thì thái độ của Trung Quốc lại không gây được niềm tin.
Trung Quốc đã nhiều lần từ chối thảo luận COC và gia tăng các hành động cứng rắn tại Biển Đông.
Từng nhiều lần từ chối tham gia các cuộc thảo luận chính thức về COC trên bàn đám phán đa phương, Trung Quốc lo ngại rằng đây chính là "vòng kim cô" mà ASEAN dùng để kiềm chế Trung Quốc.
Nhìn chung, mức độ cấp thiết của kết quả đàm phán chỉ thật sự quan trọng đối với ASEAN vì với Trung Quốc thì COC chỉ là "kế hoãn binh".
Điều này được thể hiện cụ thể hơn khi Trung Quốc đã tuyên bố "COC không đóng vai trò giải quyết vấn đề Biển Đông mà chỉ là biện pháp xây dựng lòng tin". Né tránh các cơ sở pháp lý, dùng COC như là "con bài mặc cả" với ASEAN, "kiểm chứng" sự đoàn kết của ASEAN hay xa hơn là thăm dò phản ứng của các cường quốc là những gì Trung Quốc rất có thể đang toan tính. Trung Quốc vẫn có thể lựa chọn không tham gia hoặc rút khỏi đàm phán vào giai đoạn cuối. Nhìn từ góc độ này thì ASEAN cần COC hơn là Trung Quốc. Hay nói cách khác, bên thật sự thiện chí và mong mỏi một kết quả tích cực từ việc đàm phán COC chỉ có ASEAN.
Vì vậy, trong tình huống cần COC hơn để trung hòa ưu thế sức mạnh đang chiếm ưu thế tại Biển Đông, ASEAN có ít giải pháp dự phòng hơn phía Trung Quốc không đưa mục tiêu COC là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách Biển Đông của mình.
Đòn bẩy hỗ trợ quốc tế
Hiện nay ASEAN đang được sự ủng hộ và động viên rất lớn từ cộng đồng quốc tế. Các cường quốc như Mỹ, Nhật, Ấn Độ đều mong muốn Biển Đông sẽ "giảm nhiệt", tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế và giao thương của các quốc gia này. So với Trung Quốc, đây là ưu thế khá rõ ràng và vượt trội. Những tác động từ chính sách "trỗi dậy hòa bình" gắn với "tham vọng độc chiếm Biển Đông" đã khiến Trung Quốc mất đi "nhân hòa".
Tại các cuộc đối thoại ASEAN - Mỹ, Mỹ luôn đề nghị ASEAN và Trung Quốc sớm đàm phán COC và khẳng định tiếp tục hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Tuy nhiên, đáng lưu ý là sự ủng hộ của các quốc gia cho ASEAN chỉ mới dừng lại ở sự ủng hộ bình thường trên các diễn đàn, báo chí chứ chưa thấy một sức ép rõ ràng nào về mặt ngoại giao. Tâm lý e ngại và quan hệ lợi ích với Trung Quốc vẫn cản trở các quốc gia này có những hành động phản đối cụ thể đối với Trung Quốc hay ủng hộ cho ASEAN. Chính vì vậy, mặc dù đây được xem là ưu thế nhưng vẫn chưa tạo được khoảng cách rõ ràng về chiến tuyến giữa ASEAN với Trung Quốc. Mặc dù ASEAN đang có ưu thế khá rõ về tinh thần đoàn kết và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhưng ưu thế này vẫn chưa chắc chắn bởi Trung Quốc luôn áp dụng chiêu bài "trì hoãn" và "ngoại giao đô la" hòng làm nản lòng và gây chia rẽ ASEAN. Sau đó Trung Quốc sẽ chơi trò "đổ lỗi" (blame game) và cáo buộc ASEAN ảnh hướng kết quả đàm phán COC.
Phương Anh - Kim Duyên tổng hợp