Vị thế địa chiến lược trọng yếu 

Từ những diễn biến phức tạp trên thực địa, vấn đề Biển Đông đã và đang được quan tâm và bày tỏ ở nhiều cấp độ, kể cả trên diên dàn của Liên Hợp quốc.

Mới đây, tuyên bố kết thúc Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) nêu rõ: “Chúng tôi rất quan tâm đến tình hình trong và xung quanh Biển Đông. Chúng tôi cực lực phản đối bất kỳ động thái nào làm gia tăng căng thẳng và phá hoại sự ổn định của khu vực cũng như trật tự quốc tế dựa trên luật định. Chúng tôi nhấn mạnh tính phổ quát và thống nhất của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đồng thời tái khẳng định vai trò quan trọng của UNCLOS trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý kiểm soát mọi hoạt động trên đại dương và các vùng biển...."

Biển Đông có tầm quan trọng và vị thế địa chiến lược trọng yếu không chỉ đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ bao quanh, mà còn đối với khu vực Đông Á và thế giới.

Trước đó, Australia và Singapore cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở, bao trùm, dựa trên luật lệ và bền vững, hỗ trợ và thúc đẩy thương mại tự do, đồng thời tôn trọng quyền của các quốc gia trong việc lãnh đạo đất nước không phải chịu sự can thiệp và sức ép từ bên ngoài.

V.v... V.v...

Biển Đông có tầm quan trọng và vị thế địa chiến lược trọng yếu không chỉ đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ bao quanh, mà còn đối với khu vực Đông Á và thế giới. Trước hết Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương; Châu Âu - Châu Á; Trung Đông - Châu Á. Biển Đông rất quan trọng đối với nhiều nước trong khu vực xét về vị trí địa lý – chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế.

Khu vực Biển Đông có 1 trong số 10 tuyến đường hàng hải lớn nhất trên thế giới đi qua. Giao thông nhộn nhịp đứng thứ 2 trên thế giới (sau Địa Trung Hải). 

Đặc biệt, eo biển Malacca (nằm giữa đảo Sumatra của Indonesia, Malaysia và Singapore) có vị trí vô cùng quan trọng vì tất cả hàng hóa của Đông Nam Á và Bắc Á đều phải đi qua Biển Đông. Đây cũng là eo biển có lượng tàu thuyền đi qua nhộn nhịp và lượng dầu vận tải hàng năm qua đây chiếm vị trí thứ 2 thế giới, sau eo biển Homuz (Cộng hòa Iran).

Ba eo biển thuộc chủ quyền Indonesia là Sundan, Lombok và Makascha đóng vai trò dự phòng trong tình huống eo biển Malacca ngừng hoạt động vì lý do nào đó. Tuy nhiên, nếu phải vận chuyển qua các eo biển này thì hàng hóa giữa Ấn Độ Dương sang ASEAN và Bắc Á sẽ chịu cước phí cao hơn vì quãng đường dài hơn.

Eo biển Luzon nằm giữa đảo Luzon của Philippines và vùng lãnh thổ Đài Loan, là cửa liên thông của tuyến hàng hải quốc tế qua Biển Đông với khu vực Tây Bắc và Bắc Thái Bình Dương.

Tuyến đường vận tải quốc tế qua Biển Đông được coi là nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới và điểm gần nhất của tuyến vận tải biển này chỉ cách Côn Đảo (Việt Nam) chừng 38 km. Mỗi ngày có khoảng 300 tàu vận tải các loại qua lại Biển Đông, bao gồm 200 tàu chở dầu, 50% số tàu này có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% từ 30.000 tấn trở lên.

Các tuyến đường biển nói trên là “yết hầu” cho giao lưu hàng hóa của nhiều nước Châu Á. Hơn qua vùng Biển Đông với gái tị thương mại khoảng 5,3 nghìn tỷ USD. Theo thống kê của Cơ quan năng lượng Mỹ, 1/3 lượng dầu thô và hơn 1/2 lượng khí hóa lỏng được chuyên chở qua Biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama ở Trung Mỹ. Hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông. Trung Quốc có 29/39 tuyến hàng hải và khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu được vận chuyển bằng biển qua Biển Đông.

Lượng xuất khẩu hàng hóa qua Biển Đông của các quốc gia Đông Nam Á là 55%, các quốc gia công nghiệp mới là 26%, Úc là 40%. Đối với Việt Nam, 100% hàng hóa xuất nhập khẩu đều phải đi qua Biển Đông. Nếu khủng hoảng xảy ra ở vùng biển này, các loại tàu biển phải chạy theo đường mới hoặc vòng qua Nam Australia thì cước phí vận tải thậm chí sẽ tăng gấp năm lần và không còn đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Thêm một điểm trọng yếu của Biển Đông là các đảo, quần đảo ngoài khơi, như Hoàng Sa và Trường Sa đều nằm ở vị trí trung tâm – một trong những nơi có nhiều tuyến đường hàng hải đi qua nhất trên thế giới. Các quần đảo này đóng vai trò cực kỳ quan trọng với tư cách là các vị trí phòng thủ chiến lược trọng yếu đối với nhiều quốc gia trong khu vực Biển Đông.

Đồng thời là các cơ sở hậu cần phục vụ các hoạt động biển xa, như kiểm soát các tuyến hàng hải đi qua lại trên Biển Đông, dùng cho mục đích quân sự như đặt trạm ra-đa, các trạm thông tin, xây dựng các trạm dừng và tiếp nhiên liệu cho tàu thuyền, v.v. Các chiến lược gia phương Tây cho rằng quốc gia nào kiểm soát được quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ kiểm soát và khống chế được toàn bộ Biển Đông.

Một trung tâm của thế giới về đa dạng sinh học

Xét về tầm quan trọng của môi trường, Biển Đông được coi là một trung tâm của thế giới về đa dạng sinh học. Theo thống kê, trong Biển Đông tập trung 12% tổng diện tích rừng ngập mặn của thế giới và 30% tổng diện tích rừng ngập mặn của Châu Á. Đây cũng là nơi có 20% tổng diện tích rạn san hô của khu vực Đông Nam Á (mà khu vực này lại chiếm 34% tổng diện tích san hô của thế giới).

Biển Đông là một vùng biển có nguồn lợi hải sản rất quan trọng. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Biển Đông là vùng biển được xếp hạng thứ 4 trong số 19 khu vực đánh cá tốt nhất trên thế giới về tổng sản lượng đánh bắt cá hàng năm. Nguồn lợi hải sản Biển Đông được cho là có khoảng hơn 1.000 loài cá, hơn 90 loài tôm và hơn 70 loài thân mềm. Khai thác hải sản là một ngành kinh tế rất quan trọng đối với các quốc gia ven Biển Đông. Mỗi năm có khoảng 6 triệu tấn hải sản được đánh bắt tại đây, tương đương 10% tổng khối lượng hải sản được đánh bắt trên toàn thế giới.

Là nơi tích tụ, tập trung các mô hình chính trị, kinh tế xã hội và văn hóa đa dạng 

Biển Đông không chỉ là địa bàn chiến lược, không gian sinh tồn (phát triển và an ninh) và chiếm vị trí địa chính trị quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực mà còn cả của Châu Á – Thái Bình Dương và Mỹ. Đặc biệt, Biển Đông đã trở thành địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng truyền thống của các nước lớn trong lịch sử. Đây cũng là nơi tích tụ, tập trung các mô hình chính trị, kinh tế xã hội và văn hóa đa dạng của thế giới, bao gồm sự giao thoa của các nền văn minh: Trung Hoa, Ấn Độ, Đông Nam Á đảo và Đông Nam Á lục địa. Các tranh chấp chủ quyền biển, đảo trong Biển Đông cũng được xem là kéo dài, phức tạp, nhiều bên nhất trong lịch sử.

Về vị trí pháp lý, Biển Đông chứa đựng các yếu tố liên quan đến: quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo, quốc gia không có biển, các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia, vùng đánh cá, phân định biển, vấn đề biển nửa kín, eo biển quốc tế, hợp tác quản lý tài nguyên sinh vật, các đàn cá di cư xa và đán cá xuyên biên giới, khai thác chung, bảo tồn biển, nghiên cứu khoa học biển, chống cướp biển, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, tìm kiếm và cứu nạn và đặc biệt là hợp tác bảo vệ môi trường biển, v.v.

Khi giao thương phát triển, đặc biệt là trên biển, sự phụ thuộc của các quốc gia vào các tuyến đường biển đi qua Biển Đông ngày một lớn hơn. Chính vì thế, nếu Biển Đông bị một hoặc một nhóm quốc gia liên minh nào khống chế sẽ đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích an ninh, chính trị và sự thịnh vượng về mặt kinh tế của khu vực, bao gồm Việt Nam.

Quyết Thắng, Huyền Sâm, Anh Dũng