Những sự kiện mới đây từ việc các nhà hoạt động Đài Loan đưa tàu đến quần đảo Senkaku dưới sự hộ tống của đoàn tàu tuần tra bờ biển đến giới học giả tổ chức khảo sát Hoàng Sa của Việt Nam, cùng nhiều đề nghị kết hợp nghiên cứu giữa Trung Quốc-Đài Loan làm giới truyền thông nghi ngờ hai bên đang bắt tay nhau hợp sức trong cuộc tranh chấp chủ quyền.

Đặc biệt ở biển Đông, nhiều động thái dẫn đến nhận định của các nhà phân tích cho rằng đang có một sự hợp tác nhất định giữa Bắc Kinh và Đài Bắc trong thời điểm hiện tại.

Tiện cả đôi đường

Có một vài lý do có thể khiến cho Đài Loan muốn tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền. Về mục đích hiển nhiên là vì lý do kinh tế, Đài Loan là một trong những nơi có nền kinh tế mạnh tại Đông Á, một trong những nền công nghiệp mới và là con hổ của Châu Á. Khác với Mỹ có thể tự chủ được 70% nguồn cung năng lượng hay như Trung Quốc với 80%, thì Đài Loan chỉ vỏn vẹn 0,6%.

Vấn đề an ninh năng lượng lại càng trở nên quan trọng khi phần lớn lượng dầu khí nhập khẩu của Đài Bắc là thông qua Vùng Vịnh, Tây Phi và từ chính Trung Quốc đại lục, mọi con đường đều thông qua biển Đông.

Các nguồn năng lượng thay thế khác như hạt nhân lại bị cản trở bởi yếu tố an toàn, và các dạng năng lượng xanh khác vẫn còn lẩn quẩn xung quanh hai chữ tiềm năng.

Trung Quốc dựa vào những yếu tố đó, đã đưa ra con bài năng lượng nhằm lôi kéo Đài Loan vào vấn đề biển Đông, qua đó lấy được sự ủng hộ của Đài Loan về vấn đề chủ quyền.

Theo một tuyên bố của giới học giả tại Đài Loan thì đã có một sự thỏa hiệp khá hiếm hoi giữa Quốc Dân đảng cầm quyền (KMT) và Đảng Dân Tiến (DPP) đối lập về một thỏa thuận cho phép Tổng công ty Dầu khí Ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) và Tập đoàn hóa dầu Quốc gia CPC của Đài Loan triển khai các dự án hợp tác chung tại khu vực bắc biển Đông. Một nước cờ rất khôn khéo của Bắc Kinh.

Vấn đề dân tộc và lịch sử cũng là nhân tố quan trọng. Trung Hoa dân quốc chính là nơi khởi xướng ra khái niệm "đường lưỡi bò" hiện tại. Cả Bắc Kinh và Đài Bắc đều khảng định rằng các lực lượng hải quân Trung Hoa đã "làm chủ Nam Hải" từ thời nhà Hán và nhà Minh. Và người dân lẫn chính quyền hai bờ nên tích cực bảo vệ Nam Hải (Việt Nam gọi là Biển Đông) như là một bộ phận chủ quyền của mình.

Trên thực tế Đài Loan không có sức mạnh ngoại giao hay kinh tế như Trung Quốc để có thể tăng cường tiếng nói của mình tại các khu vực tranh chấp. Vì thế nếu hợp tác về chính trị và quân sự, thì tính độc lập tương đối của Đài Loan sẽ bị suy giảm nên Đài Bắc đã tiến hành bước đầu hợp tác với đại lục thông qua các lĩnh vực khác như du lịch, bảo vệ môi trường hay nghiên cứu về biển đảo.

Kể từ khi ông Mã Anh Cửu lên làm Tổng thống, các chính sách của Đài Loan với đại lục đã có vẻ mềm mỏng hơn. Các cuộc hội thảo, nghiên cứu học thuật và trao đổi chính sách giữa hai bên về biển Đông diễn ra thường xuyên hơn. "Báo cáo đánh giá tình hình khu vực Nam Hải" do hai bờ cùng hợp tác soạn thảo là một ví dụ sinh động cho thấy khả năng hợp tác giữa hai bên là rất lớn, vì đây là lần đầu tiên hai bờ tiến hành hợp tác và xuất bản chung một văn bản như vậy.

Tuy nhiên, chính những yếu tố cốt lõi hình thành chính sách đối ngoại của chính quyền Đài Bắc lại là các lực cản đối với một liên minh Trung - Đài trong cục diện Châu Á - Thái Bình Dương.

Đồng minh Mỹ

Chính quyền Đài Bắc ý thức rõ rằng mọi chính sách đưa ra đều cần phải cân nhắc đến một nhân tố then chốt - người đồng minh Washington. Kể từ khi thông qua "Luật quan hệ với Đài Loan" vào tháng 03-1979, Mỹ đã cam kết đảm bảo sự ổn định hai bờ eo biển Đài Loan; cũng như bảo vệ kinh tế, chế độ xã hội và đặc biệt là an ninh của Đài Loan. Sự xuất hiện của "Hạm đội 7" nhằm "hạ nhiệt", cũng như kiềm chế căng thẳng, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc giai đoạn 1995 - 1996 là một ví dụ cụ thể.

Có thể thấy về căn bản, sự tồn tại và phát triển của Đài Loan chịu một sức tác động rất lớn từ người đồng minh phía bên kia Thái Bình Dương, về kinh tế và cả về quốc phòng.

Theo báo cáo trên website của Bộ ngoại giao Mỹ, tính đến năm 2010, cường quốc này chính là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Đài Loan, chiếm hơn 11.5% kinh ngạch xuất khẩu và cung cấp hơn 10.1% tổng giá trị nhậu khẩu của nền kinh tế này. Tổng giá trị xuất nhập khẩu giữa hai bên thống kê đến năm 2011 đã đạt đến con số 85 tỷ đô la.

Trong khi đó, Nhật Bản - người đồng minh thân thiết của Mỹ - cũng là một đối tác thương mại quan trọng đối với Đài Loan, chiếm 13.3% tổng giá trị xuất nhập khẩu.

Nếu như mối quan hệ giữa Đài Bắc và Washington xấu đi, nền kinh tế Đài Loan nhiều khả năng sẽ chịu nhiều tác động bất lợi. Ngoài ra, cũng cần kể đến sự phụ thuộc vào Mỹ nhằm đảm bảo tiềm lực quân sự quốc phòng của Đài Loan.

Trong bối cảnh chính sách "một Trung Quốc" của chính quyền Bắc Kinh ngăn cản các quốc gia khác trên thế giới buôn bán vũ khí cho Đài Loan, Mỹ đã trở thành nhà cung cấp vũ khí chủ yếu cho chủ thể đặc biệt này. Gần đây nhất, theo Taipeitimes, Đài Loan đã chính thức cho lắp đặt Radar phát hiện tên lửa với tầm phủ sóng trên 3000 km; kết nối và trở thành một bộ phận của hệ thống thông tin phòng chống đạn đạo của Mỹ.

Đứng trước cục diện cường quốc này đang mở rộng ảnh hưởng tại Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại Biển Đông, Đài Bắc khó có lựa chọn nào khác hơn ngoài việc giữ chính sách an ninh "ngả về Mỹ".

Hơn thế nữa, bất cứ một cam kết hợp tác an ninh nào giữa Đài Loan với chính quyền đại lục đều sẽ đặt hai bên vào thế khó. Phía Bắc Kinh với chính sách "một Trung Quốc", thông qua tháng 03-1984, không thể ký kết cùng Đài Bắc như giữa hai quốc gia, mà chỉ giữa chính quyền trung ương và một tỉnh "đặc khu hành chính" với "chế độ chính trị, bộ máy hành chính và lực lượng phòng vệ riêng biệt". Mối quan hệ này sẽ hoàn toàn đi ngược lại phương châm đối ngoại của Đài Loan: khẳng định sự tồn tại như một quốc gia độc lập. Việc hợp tác giữa hai bên nhằm giải quyết vấn đề Biển Đông sẽ khó lòng được cụ thể hóa bằng một cam kết chính thức.

Nguyễn Thế Phương - Lê Thành