- Chúng ta đang nằm trong cuộc chuyển đổi toàn cầu, có tính phức hợp tăng theo cấp lũy thừa. Sự phức hợp sẽ phá hủy các tổ chức và hệ thống gắn liền với cách quản lý cũ, khiến nhiều DN sẽ mất kiểm soát và sụp đổ.
Ngày 18/7 tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị CEO SUMIT thường niên 2017 với chủ đề: “Cuộc chuyển đổi vĩ đại thế kỉ 21 và Chiến lược của doanh nghiệp Việt Nam”, do Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietamNet tổ chức.
Diễn giả chính của Hội nghị, GS.TS Fredmund Malik, nhà tư tưởng về quản trị hàng đầu châu Âu, Chủ tịch Trung tâm Quản lý St.Gallen, Thụy Sĩ và Viện Malik đã chia sẻ về lý thuyết chuyển đổi vĩ đại thế kỉ 21.
Đau đầu về sự chuyển đổi
GS.TS Fredmund Malik cho rằng, “cuộc chuyển đổi vĩ đại thế kỷ 21” là sự chuyển đổi từ thế giới cũ, sang thế giới mới hoàn toàn. Hiện chúng ta đang nằm trong cuộc chuyển đổi toàn cầu, có tính phức hợp (không phải phức tạp) tăng theo cấp lũy thừa.
GS.TS Fredmund Malik |
Các tác nhân của nó là những thay đổi về nhân khẩu học, khoa học và công nghệ, đặc biệt là kỹ thuật số, các vấn đề sinh thái và kinh tế... Nguồn chủ yếu của sự phức hợp là sự liên kết ngày càng tăng, ngày càng nhiều giữa các lĩnh vực với nhau trên phạm vi toàn cầu. Đó là kết quả không thể tránh được của việc số hóa.
Như một thách thức, sự phức hợp sẽ phá hủy các tổ chức và hệ thống gắn liền với cách quản lý cũ, khiến nhiều DN sẽ mất kiểm soát và phần lớn trong số đó sẽ sụp đổ.
Đồng thời sự phức hợp cũng trở thành cơ hội lớn nhất từ trước tới nay, là “mỏ vàng” mới, là “nguyên liệu” cho trí thông minh, sự tiến hóa và sáng tạo. Để khai thác những cơ hội mà sự phức hợp mang lại, những phương pháp quản trị mới, phải được áp dụng.
Có rất nhiều điều đang làm các CEO mất ngủ. Kết quả nghiên cứu từ Viện Malik tại châu Âu cho thấy: không thể đối phó với những thách thức ngày nay, nếu chỉ sử dụng các phương phương pháp truyền thống. Con người không thay đổi sẽ cản trở “cuộc đại thay đổi”. Muốn thay đổi, nhưng làm gì và làm như thế nào, là câu hỏi lớn. Nhiều lãnh đạo biết phải làm điều gì đó, nhưng chỉ số ít biết làm như thế nào.
Môi trường kinh doanh hiện nay có mức độ bất ổn cao và ngày càng trở nên phức hợp. Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ đã tác động sâu sắc đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, việc không bắt kịp tốc độ phát triển của sự thay đổi là một rủi ro rất lớn, đối với hoạt động của DN. Cách đây vài năm, không ai tin “gã khổng lồ” trong lĩnh vực phim ảnh là Kodak sẽ phải nộp đơn xin phá sản.
Cũng không ai có thể tin Nokia lại vất vả trong cuộc chiến tồn tại hay không tồn tại trong lĩnh vực kinh doanh điện thoại di động. Chỉ cần không nắm bắt kịp thời, xu thế phát triển của công nghệ mà những gã khổng lồ trong quá khứ đã “biến” thành “anh chàng tí hon” trong hiện tại.
Môi trường kinh doanh hiện nay có mức độ bất ổn cao và ngày càng trở nên phức hợp |
Ngoài ra, các CEO cũng gặp nhiều rào cản phức tạp, trong quản trị DN, như sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh mới trên thị trường, lao động thiếu kỹ năng cốt lõi hay giá năng lượng biến động... "Tôi tin rất nhiều CEO đang trải qua những ngày tháng đau đầu với nhiều câu hỏi về sự chuyển đổi", GS.TS Fredmund Malik nói.
Làm thế nào để nhận ra “cái mới”
Có những “cái mới” xảy ra ngoài kia mà nhiều người chưa biết. Hoặc là không nhìn thấy, hoặc là nhìn thấy nhưng không nhận ra. Điều gì đẩy kiến thức và hiểu biết của chúng ta tới giới hạn? Chúng ta phải mất bao lâu để nhận ra một điều gì đó “mới” đang diễn ra? Khi nào sự cách tân thực sự trở nên khả thi?
Phần lớn mọi sự cách tân đều có lịch sử phát triển, kéo dài hàng thập niên và có cả một trận chiến khó khăn, cho tới khi chúng giành được chiến thắng, ví dụ như ô tô ra đời, sau nhiều nỗ lực không thành công.
Sự phức hợp sẽ phá hủy các tổ chức và hệ thống gắn liền với cách quản lý cũ, khiến nhiều DN sẽ mất kiểm soát và sụp đổ. |
Mọi người thường nghĩ rằng những mô hình mới bất ngờ xuất hiện. Nhưng điều ấy không đúng. Họ chỉ bất ngờ và ngạc nhiên, chứ thực ra chúng đã phát triển từ lâu, có khi kéo dài nhiều năm hoặc thậm chí là hàng thập kỉ, mà hầu như không gây được sự chú ý. Nó không chỉ ở trong lĩnh vực kinh tế mà còn trong các lĩnh vực khác.
Những gì đang diễn ra ngoài kia, không phải là quá trình chuyển đổi từ “thế giới cũ sang thế giới mới” hay sao? Chỉ khi nào nhìn nó theo cách này, ta mới có thể hiểu nó và hành động sao cho phù hợp.
Con người cần tiến lên và khám phá, thử và sai. Ở lĩnh vực mà con người chưa hiểu hết, “thử và sai” vừa là phương pháp duy nhất, vừa là cách tốt nhất. Việc mắc sai lầm có tính hai mặt của nó: vừa cách tân, vừa phá hoại. Điều quan trọng là phải phân biệt được ở đâu và khi nào thì có thể mắc sai lầm, đặc biệt là vì lí do gì? Một người nếu được toàn quyền hành động với các sai lầm trong quản lí có thể gây ra thiệt hại lớn. Rõ ràng mục đích mắc sai lầm không phải là việc tạo ra những lỗi sai, mà là học hỏi được gì từ chúng. Có ít nhất hai cách để học từ những sai lầm của chính mình và từ những sai lầm của người khác.
TS Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng, trong quản lý các CEO cần có tầm nhìn, tư duy hệ thống; phải có hành động ngay để thích ứng khi Công nghiệp 4.0 đang bùng bổ diễn biến rất nhanh.
Không nên nhìn vấn đề ở những góc độ riêng rẽ như kiểu “thày bói xem voi”. Nhiều khi chia cắt vấn đề, hiện tượng, sự vật để xem xét, thấy rất an toàn nhưng khi đặt trong bức tranh tổng thể thì đáng báo động.
Phải tiếp cận theo nguyên tắc “tảng băng trôi” giải quyết các vấn đề trên nền tảng phát triển bền vững, tránh chỉ giải quyết bề mặt giống như phần nổi tảng băng mà không quan tâm đến phần chìm của nó. Tư duy chiến lược phải có hệ thống, không nên vui mừng khi nhìn thấy lỗ thủng trên con thuyền, nhưng không phải ở phía mình ngồi.
Chú ý tránh hiện tượng “con ếch bị nấu chín”. Ếch bơi trong nồi nước đang đun, lúc đầu chỉ ấm nên ung dung không cần nhảy ra ngoài. Nhưng rồi nước cứ nóng lên và ếch chết dần không còn kịp thoát ra nữa và cuối cùng bị nấu chín. Đây là hiện tượng nhiều DN Việt Nam đã mắc phải trong thời gian qua, TS Thành nhận xét.
Trần Thủy