-Nếu một nước mạnh hơn, định sử dụng sức mạnh để ép nước khác phải ký vào thỏa thuận nhượng bộ biên giới biển, tôi nghĩ trong thời đại ngày nay điều đó khó xảy ra.

Sử gia phương Tây: Việt Nam theo đuổi tôi

TuanVietNam xin tiếp tục cuộc trò chuyện với Giáo sư Stein Tonnesson về xung đột trên Biển Đông.

Việt - Trung: nội bộ một nền văn minh?

Khi nào thì ông bắt đầu quan tâm đến xung đột ở Biển Đông?

Vào năm 1992, tôi nhớ vậy, sau khi tôi làm xong luận án tiến sĩ về đề tài cách mạng Việt Nam và cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất. Lúc đó, tôi phát hiện ra có hai điều thú vị liên hệ tới Việt Nam và các bên liên quan khác, để cho các học giả nghiên cứu, và tìm cách giải quyết chúng, về mặt học thuật.

Thứ nhất là vấn đề sông Mekong, liên quan đến Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Căm-pu-chia, và Việt Nam.

Thứ hai là vấn đề Biển Đông, liên quan tới Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Philippines, Brunei và Việt Nam.

Đó là hai sự kiện mà tôi thực tâm muốn nghiên cứu. Và tôi bắt đầu tìm các nguồn tài trợ để nghiên cứu, và đã tìm thấy trong một số chương trình nghiên cứu chính trị.

Tôi nhớ là vào năm 1996, hay 1997, gì đó, khi vấn đề Biển Đông trở nên căng thẳng do có sự cố Mischief (vào năm 1995, Philippines đã hất cẳng quân đội Trung Quốc khỏi Đảo Vành Khăn - Mischief Reef). Từ đó, đề  tài  Biển  Đông bắt đầu được quan tâm trên bình diện quốc tế.

Đầu tiên, có một tác phẩm dạng như tiểu thuyết trinh thám, được viết bởi hai nhà báo, về cuộc chiến sẽ diễn ra ở Biển Đông.

Thứ hai là bộ phim của James Bond (trong loạt phim 007), về cuộc chiến ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam, và James Bond đã hành động để cứu khu vực này.

Cuốn sách thứ ba mà tôi chú ý là "Sự xung đột giữa các nền văn minh", do nhà chính trị học Samuel P. Huntington viết, về thời kỳ hậu chiến tranh lạnh.

Trong chương nói về cuộc chiến giữa Việt Nam và Trung Quốc, ai đã đọc hẳn nhớ lời cảnh báo của tác giả là cuộc chiến diễn nằm nội bộ một nền văn minh, và chính vì vậy Mỹ phải đứng bên ngoài cuộc chiến. Đơn giản bởi vì họ thuộc một nền văn minh khác, và, vì vậy, không được can thiệp vào công việc nội bộ của một nền văn minh khác.

Tôi nghĩ, đấy là một quan điểm gây tranh cãi lớn, mà tôi hoàn toàn không đồng ý. Thế nhưng, về một mặt khác, cùng với cuốn tiểu thuyết và nhân vật James Bond, nó lại kích thích tôi muốn nghiên cứu sâu về Biển Đông.

Trong nghiên cứu về Biển Đông, hẳn ông cũng có những người giúp đỡ tại Việt Nam?

Một người trong ngành ngoại giao mà tôi gặp khi tham dự Hội nghị Việt Nam học năm 1998, trước đó đã tham dự một khóa học ở Oslo, và trở thành bạn với tôi. Đó là ông Nguyễn Vũ Tú, Đại sứ Việt Nam tại Philippines.

Còn có một vài người khác nữa, hiện đang giữ những chức vụ quan trong tại ngành ngoại giao cũng là bạn tốt của tôi.

{keywords}
Giáo sư Stein Tonnesson

Biên giới biển không thể phân định bằng quyền lực

Để tìm hiểu về quan điểm, và các bằng chứng của Việt Nam, về Biển Đông, ông làm cách nào để tiếp cận kho dữ liệu của Việt Nam?

Kho dữ liệu về Biển Đông mà tôi có thế tra khảo lại là kho dữ liệu của phương Tây, chủ yếu về thời kỳ thuộc địa. Bởi vì, anh phải hiểu rằng, đối với những sự kiện phức tạp như vậy, anh không thế nào mò vào kho dữ liệu của bất cứ nước nào có liên quan, bất kể chế độ chính trị nào. Mọi chuyện liên quan đến chủ quyền lãnh thổ đều được coi là tuyệt mật hết.

Chính vì vậy, tôi chỉ có thể tìm thấy những tư liệu cần thiết trong kho lưu trữ của người Pháp và người Anh thôi.

Còn tại Việt Nam, tôi có quan hệ tốt với một số học giả, và họ trao đổi với tôi những quan điểm của họ. Tôi thực sự đánh giá cao trình độ hiểu biết và thái độ khách quan của một số học giả Việt Nam.

Chẳng hạn, quan chức ở Ban Biên giới (Bộ Ngoại giao), hay những người đã trực tiếp tham gia đàm phán về lãnh thổ, với Lào, Căm-pu-chia, và tất nhiên là Trung Quốc. Chẳng hạn như các hiệp định ký năm 1999 và 2000. Hay những người đang đàm phán hiệp định bên ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.

Những nhận xét của những người đóng góp rất lớn vào những nhận định, kết luận của trong các bài viết, công trình của tôi.

Theo ông, vấn đề gì quan trọng nhất trong giải quyết tranh chấp Biển Đông?

Càng nghiên cứu sâu về Biển Đông, tôi càng thấy tầm quan trọng vô cùng to lớn của luật quốc tế về biển, đặc biệt là công ước năm 1982. Bởi vì phân định biên giới trên biển không thể tiến hành bằng quyền lực, tức là cử tàu chiến đi vẽ đường phân định, hoặc xây dựng các hàng rào phân định.

Biển nói chung là mở, để cho tàu đánh cá, hay tàu nói chung, chạy qua, chạy lại. Vì vậy, muốn có lãnh hải rõ ràng, các bên liên quan phải chấp thuận đồng ý với nhau.

{keywords}

Bìa cuốn sách Việt Nam năm 1946: Chiến tranh đã bùng nổ như thế nào của

Giáo sư Stein Tonnesson

Đó là chủ đề của bài tham luận trong lần hội thảo thứ 3 của tôi (2011). Tôi sẵn sàng thảo luận về mối tương tác giữa quyền lực và luật pháp, và tôi khẳng định rằng bất cứ bên liên quan nào cũng không thể giải quyết tranh chấp chỉ bằng quyền lực, cho dù anh có quyền lực quân sự mạnh hơn nước khác.

Ông có thế giải thích rõ hơn được không? Rõ ràng có nước đang sử dụng sức mạnh của mình, dưới các hình thức khác nhau, để đe doạ các nước còn lại?

Nếu một nước mạnh hơn, định sử dụng sức mạnh để ép nước khác phải ký vào thỏa thuận nhượng bộ biên giới biển, tôi nghĩ trong thời đại ngày nay điều đó khó xảy ra. Bởi vì sao? Các nước bây giờ hiểu rõ quyền của mình, theo Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS), và họ sẽ không chấp nhận bị chèn ép đâu.

Nhưng bằng cách nào?

Họ sẽ duy trì yêu sách của họ, mặc dù có thể bị tấn công. Nhưng rồi họ sẽ tìm con đường tới với cường quốc khác để bảo vệ quyền lợi của mình.

Cuộc tranh giành chủ quyền trước sau cũng dẫn tới việc khai thác tài nguyên, chẳng hạn dầu khí. Nhưng liệu một cường quốc có dám đặt dàn khoan, giá trị hảng tỷ đô la, ở vị trí nằm xa bên ngoài thềm lục địa và đặc quyền kinh tế không? Tôi nghĩ là không, bởi các cường quốc bên ngoài sẽ tìm mọi cách can dự vào chuyện này, và họ được bảo vệ bởi UNCLOS.

Đó là lý do tôi cho rằng cách duy nhất để giải quyết tranh chấp về lãnh thổ là phải dựa trên UNCLOS.

Ông đánh giá thế nào về học giả Trung Quốc qua các lần hội thảo tại Việt Nam?

Tôi nhìn thấy hai xu hướng xảy ra cùng một lúc đối với các học giả Trung Quốc.

Xu hướng thứ nhất, họ tiếp tục truyền thống bảo vệ quyền lợi của quốc gia mình. Và mỗi khi có căng thẳng trong tranh luận tại hội thảo, họ đã nói những điều mà bản thân họ cũng chẳng mấy tin, nhưng vì lợi ích quốc gia họ, và họ dễ dàng ăn nói với "ở nhà" hơn. Nhưng xu hướng này có cái dở là hủy hoại mọi khả năng hiểu nhau hơn giữa các học giả các nước khác nhau.

Xu hướng thứ hai là có những người muốn hiểu biết thêm về luật biển quốc tế, sau mỗi kỳ hội thảo. Tôi cảm nhận sự tiến bộ của họ rất nhanh.

Chính vì vậy, tuy điều này không thể hiện công khai tại các diễn đàn, nhưng trong các cuộc gặp giữa họ với nhau, các cuộc nói chuyện ngày càng dựa nhiều hơn vào luật pháp quốc tế.

Ông nghĩ rằng ông cảm thấy xu hướng của các học giả Trung Quốc như thế nào?

Tôi nghĩ cuộc hội thảo đầu tiên họ tỏ ra thú vị nhất. Họ cởi mở, đưa ra các vấn đề hợp tác, và chúng tôi tranh luận với nhau cả trong thời gian làm việc, cả lúc ăn trưa, ăn tối, hay bên ly rượu.

Thế nhưng từ cuộc hội thảo thứ hai, khi "đường lưỡi bò" được các học giả quan tâm nhiều hơn, tranh cãi tới chủ quyền nhiều hơn, thì các cuộc tranh luận trở nên căng thẳng quá mức cần thiết. Và không khí tranh luận trở nên kém tính khoa học, bởi các học giả Trung Quốc không còn đưa ra được những lập luận mới, và các cuộc tranh luận trở nên kém thú vị.

Xin cám ơn ông.

Huỳnh Phan (Thực hiện)