Nhiều người nghĩ rằng cây nho chỉ sinh trưởng, phát triển ở các tỉnh ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, song anh Nguyễn Ngọc Hải đã khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên, ngưỡng mộ khi đưa giống nho Hạ Đen về trồng ngay trên mảnh đất của gia đình.
Sau một lần tình cờ xem báo đài, anh Hải bị thuyết phục bởi sự thành công của mô hình trồng nho Hạ Đen không hạt của nông dân các tỉnh phía Bắc.
Nhìn thấy là mê, anh Hải quyết định ra Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang tham gia tập huấn, tìm hiểu về cách trồng giống cây mới này.
Sẵn có 1.100m2 đất ruộng bỏ hoang nhiều năm nay, anh Hải tiến hành cải tạo lại đất, xử lý mầm bệnh. Tháng 3/2021, anh Hải nhập 400 gốc từ Trung Quốc về trồng thử.
Số vốn ban đầu bỏ ra khoảng 300 triệu đồng, trong đó có 50 triệu đồng tiền giống, số còn lại là chi phí làm nhà lưới, giàn leo…
Trong năm đầu tiên trồng thử nghiệm, gia đình anh đã thu hoạch được khoảng 5 tạ nho đen không hạt. Tất cả số nho này anh Hải bán ngay tại vườn cho du khách khi đến tham quan.
“Thời điểm đó, nhiều người vừa muốn tham quan, vừa muốn mua nho ăn nên mình chủ yếu bán cho khách tới tham quan vườn với giá khoảng 130.000 – 150.000 đồng/kg. Năm ngoái mình đón từ 2 – 3 nghìn lượt khách tới tham quan” - anh Hải kể.
Theo anh Hải, cây nho vốn ưa thời tiết nắng nóng, càng nắng nho càng ngọt. Riêng Nghệ An thường hay có bão nên anh đã phải tiến hành làm giàn sắt để cây bám chắc không bị gió quật đổ. Bên trên làm khung cao có màng nilon che chắn để tránh mưa, bão cho cây nho.
Cây nho có ưu điểm lớn đó là trồng một lần, thu hoạch nhiều lần. Cứ sau mỗi lần thu hoạch sẽ tiến hành cắt tỉa cành để lại gốc, bổ sung thêm phân bón cho nho nảy lộc ra quả vụ mới.
Anh Hải chia sẻ: “Bắt đầu từ vụ thứ ba, khi thân, tán, rễ nho đã phát triển mạnh thì sản lượng qủa thu hoạch được sẽ tăng ít nhất gấp đôi. Tới vụ quả thứ hai sẽ bắt đầu có lãi. Vụ đầu tiên trong năm nay doanh thu đạt trên 120 triệu đồng”.
Nho Hạ Đen là loại cây trồng mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp bằng bảo hộ giống cây trồng và đã được trồng tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc nước ta, cho hiệu quả kinh tế cao.
Giống nho này trồng sau 6 đến 7 tháng sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên. Chu kỳ sinh trưởng của cây lên đến 10 - 12 năm, mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ quả vào tháng 5 và tháng 11.
Tuy chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng tuổi thọ của cây nho kéo dài khoảng 10 năm, nếu chăm sóc tốt có thể kéo dài hơn nữa, hiệu quả đầu tư là rất lớn. Gia đình anh Hải đang chuẩn bị mở rộng thêm diện tích vườn nho này.
“Mình thuê thêm gần 1.000m2 đất của hộ dân bên cạnh để mở rộng diện tích. Đồng thời, mình đã đặt 300 gốc nho sữa Hàn Quốc, nhưng đến tháng 9 mới có”, anh Hải tâm sự.
Ông Thái Viết Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghi Lộc cho biết, đây là mô hình trồng nho đầu tiên trên địa bàn huyện, bước đầu đã ghi nhận hiệu quả kinh tế khi chuyển đổi được diện tích đất màu kém hiệu quả sang trồng các cây trồng mới.
Theo tìm hiểu của PV, hiện mô hình trồng nho đang được nhân rộng tại các xã trên địa bàn huyện Nghi Lộc, như Khánh Hợp, Nghi Thạch, Nghi Văn, Nghi Hưng và Nghi Đồng.
Nghi Lộc là địa phương có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp, tuy nhiên, lâu nay sản xuất nông nghiệp chủ yếu triển khai theo hình thức hộ gia đình, chưa tạo được sự liên kết nên đầu ra sản phẩm bấp bênh khiến người nông dân chịu cảnh thua lỗ.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích về kinh tế mà còn tác động khá lớn đến tâm lý của người dân.
Để tạo dựng niềm tin và khuyến khích nông dân gắn bó mật thiết với đồng ruộng, đòi hỏi cần một hướng đi mới mang tính đột phá.
Anh Nguyễn Ngọc Hải cùng một số hộ dân trồng nho trên địa bàn đang lên kế hoạch xây dựng tổ hợp sản xuất theo mô hình VietGAP. Tập trung chú trọng đầu tư, từng bước nâng cấp cơ sở hạ thầng phục vụ canh tác, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Thành công bước đầu của vườn nho cùng dưa lưới trên đất cát ven biển đã mở ra hướng mới trong sản xuất nông nghiệp cho huyện Nghi Lộc.
Hòa Bình