Kính thưa: Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an
Thưa toàn thể các đại biểu dự hội nghị!

Những năm qua, công tác phối hợp giữa Bộ Công an và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về triển khai thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong công nhân, viên chức, lao động đạt được nhiều kết quả quan trọng, phát huy được sức mạnh của hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của các cán bộ công đoàn và công nhân lao động trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kết quả đó có được nhờ hai bên đã thực hiện tốt Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTQ ngày 01/8/2013 về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”. Đó đồng thời cũng là nội dung quan trọng trong công tác phối hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Bộ Công an. 5 năm qua, từ việc triển khai thực hiện tốt phong trào, đã có nhiều điển hình tiên tiến, đạt thành tích xuất sắc và hôm nay chúng ta tổ chức hội nghị để vinh danh những tấm gương tiêu biểu đó.

nguyen dinh khang 457.jpg
Ông Nguyễn Đình Khang 


Thay mặt Ban tổ chức, tôi đề nghị Hội nghị nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an đã tới dự và chỉ đạo hội nghị; nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, các tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã có mặt dự hội nghị ngày hôm nay.
         Kính thưa các đồng chí!         
Để thực hiện hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp nhằm đạt được mục tiêu đảm bảo an ninh Tổ quốc trong công nhân, viên chức, lao động. Trong hơn 5 năm qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã 2 lần ký kết Quy chế phối hợp với Bộ Công an về đảm bảo an ninh trật tự (Quy chế phối hợp lần thứ nhất ký kết vào tháng 9/2017 và Quy chế phối hợp lần thứ hai ký kết vào tháng 4/2023). Các Quy chế phối hợp có nội dung phù hợp, giải pháp cụ thể, rõ ràng để thực hiện phong trào và kết quả thu được là tích cực, toàn diện. Thay mặt Ban tổ chức, tôi xin điểm lại 5 kết quả nổi bật để hội nghị tiếp tục thảo luận:
         1. Công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức có những chuyển biến tích cực. Các cấp công đoàn cả nước chủ động làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các kế hoạch, hoạt động của Tổng Liên đoàn; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền, phổ biến các Chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đến đông đảo công nhân, viên chức, lao động nhằm nâng cao nhận thức cho công nhân, viên chức, lao động; tăng sức đề kháng trước các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, lợi dụng lòng yêu nước của công nhân, người lao động để kích động, lôi kéo đình công, biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất ANTT, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình hiện nay với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng và đưa vào nhiều giải pháp tuyên truyền mới, tuyên truyền mạnh trên mạng xã hội, phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin. 
        2. Công tác phối hợp đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp, nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được đề cao. Bộ Công an và Tổng Liên đoàn đặt trọng tâm của công tác phối hợp là nâng cao hiệu quả và lan rộng phong trào bảo vệ ANTQ trong toàn hệ thống công đoàn.
        3. Công an và Công đoàn đã phối hợp hiệu quả để đảm bảo an ninh trật tự trong công nhân, lao động và các cơ quan công đoàn. Dù tình hình kinh tế - xã hội có những phức tạp do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhưng về cơ bản tình hình an ninh trật tự trong các cơ quan, doanh nghiệp được đảm bảo, tạo điều kiện cần thiết để công nhân, lao động yên tâm làm việc.
        4. Xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, vận động công nhân, viên chức, lao động tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Từ chỗ chỉ có một vài mô hình, hiện cả nước có 23 địa phương có tổng số 3.184 mô hình “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân” thường xuyên duy trì hoạt động hiệu quả.
        5. Công tác xây dựng, nâng cao uy tín, vị thế của lực lượng Công an nhân dân và tổ chức Công đoàn Việt Nam trong hệ thống chính trị và trong đời sống xã hội được hai cơ quan phối hợp tốt, tạo chuyển biến vững chắc từ Trung ương xuống cơ sở. Hai cơ quan tập trung phối hợp tốt cả về bề rộng và chiều sâu, góp phần xây dựng, nâng cao uy tín, vị thế của lực lượng Công an nhân dân và tổ chức Công đoàn Việt Nam trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.
        Từ thực tế triển khai phong trào phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và kết quả đạt được trong 5 năm qua, Tổng Liên đoàn và Bộ Công an rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
        Thứ nhất, việc triển khai thực hiện phong trào phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy, chính quyền địa phương; phát huy vai trò gương mẫu, trách nhiệm, sáng tạo của lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị công an và các cấp công đoàn trong tham mưu, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện phong trào.
        Thứ hai, Phong trào phải được cụ thể hóa bằng các nội dung, giải pháp, hoạt động cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ ANTQ ở từng giai đoạn, từng địa phương, đơn vị, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, thu hút đông đảo công nhân, viên chức, lao đông tham gia. Kết hợp chặt chẽ thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước và nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương. Phong trào được Công an các tỉnh, thành phố chủ trì tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm và biểu dương điển hình tiên tiến công nhân, viên chức, lao động ở tất cả các địa phương trong cả nước, tạo khí thế thi đua sôi nổi, thành ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ trên quy mô toàn quốc.
        Thứ ba, đổi mới nội dung, phương thức, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho công nhân, viên chức, lao động trong tham gia phòng chống tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Vận động công nhân, viên chức, lao động tham gia các tổ tự quản về an ninh trật tự ở địa bàn dân cư, ở khu công nghiệp, khu chế xuất để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ANTT ngay từ cơ sở.
        Thứ tư, chủ động, phối hợp trao đổi thông tin, tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào góp phần xây dựng lực lượng Công an, tổ chức công đoàn ngày càng trong sạch vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Kính thưa các đồng chí!      
Thời gian tới, Việt Nam sẽ hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn, thực hiện đầy đủ các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có việc phê chuẩn, thực thi các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Sự xuất hiện của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bên cạnh công đoàn cơ sở đặt ra những yêu cầu, thách thức mới đối với hoạt động công đoàn. Đặc biệt, ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hậu quả nặng nề, toàn diện, kéo dài của đại dịch Covid-19, lực lượng phản động, cơ hội chính trị lợi dụng lôi kéo, kích động công nhân… khiến cho nhiều doanh nghiệp đã khó khăn càng khó khăn hơn, đời sống, việc làm của công nhân lao động liên tục bị đe doạ. Những điều đó đòi hỏi công tác an ninh công nhân cần được đề cao và triển khai các biện pháp đảm bảo toàn diện hơn, hiệu quả hơn.
 Nhân dịp này, tôi cũng đề nghị các cấp công đoàn quan tâm đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là việc nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến cho phù hợp với từng địa bàn, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của công nhân lao động. Xây dựng phong trào trước hết phải vì lợi ích của nhân dân, xuất phát từ yêu cầu của đời sống công nhân lao động. Đặc biệt, phải nhận thức rõ tình hình an ninh trật tự của nước ta nói chung, của Công đoàn Việt Nam trong thời điểm này nói riêng để hướng phong trào vào những nội dung cụ thể, thiết thực về bảo vệ an ninh quốc gia, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là ở những nơi tập trung đông công nhân lao động. Các cấp công đoàn cần gắn kết, lồng ghép phong trào này với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, chương trình phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội của Đảng, Nhà nước… Trên cơ sở những kết quả đạt được của các mô hình điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, công đoàn cơ sở cần phối hợp với chính quyền, chuyên môn và lực lượng công an ở cơ sở để triển khai nhân rộng mô hình, chú trọng việc sơ kết, đánh giá, phát huy ưu điểm, khắc phục tồn tại, hạn chế, rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả mô hình.
Tôi đề nghị thời gian tới hai cơ quan phối hợp chặt chẽ hơn, đầy đủ và sáng tạo hơn để tạo hiệu quả lớn hơn. Tại hội nghị này tôi mong các đồng chí đại biểu tham gia đóng góp ý kiến, đưa ra những đề xuất, sáng kiến, giải pháp mới để sự phối hợp giữa Bộ Công an và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đem lại những kết quả tích cực, xuất hiện nhiều hơn nữa những tấm gương điển hình tiên tiến.
         Cùng với việc ghi nhận, đánh giá cao và tôn vinh các điển hình tiên tiến trong dịp này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam rất mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự đồng hành, phối hợp, sự ủng hộ của lực lượng Công an để chúng ta hưởng ứng mạnh mẽ hơn nữa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đưa phong trào mang tính tích cực này lên một tầm cao mới.
        Kính chúc các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc, chúc hội nghị thành công tốt đẹp!
        Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí!