VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn với ông Trần Văn Thanh- Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định về quá trình chuyển đổi số của ngành du lịch tỉnh.

Ứng dụng CNTT và chuyển đổi số là “bệ đỡ” cho du lịch Bình Định cất cánh

- Du lịch Bình Định hướng đến mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh gắn với mục tiêu chuyển đổi số. Hiện nay, ngành du lịch Bình Định đã triển khai chuyển đổi số như thế nào, thưa ông?

Trong những năm qua, du lịch Bình Định đã có những bước phát triển đáng kể, trở thành một trong những động lực tăng trưởng và được xác định là một trong 5 trụ cột của nền kinh tế giai đoạn 2020 - 2025 và sau này. Tỉnh Bình Định đã tranh thủ nhiều nguồn lực tập trung đầu tư, từng bước hiện đại hoá, cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển du lịch, trong đó xác định ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là nội dung quan trọng. 

du lich binh dinh.jpeg
Ông Trần Văn Thanh- Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định. (Ảnh: D.P)

Đến nay, Sở Du lịch Bình Định đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch đạt được một số kết quả bước đầu: 

Trong công tác điều hành, quản lý nhà nước về du lịch, Sở Du lịch đã đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện các thủ tục hành chính trên hệ thống dịch vụ công quốc gia. Triển khai hệ thống Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử gắn với đánh giá hài lòng việc giải quyết thủ tục hành chính.  

Triển khai phần mềm báo cáo trực tuyến cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn nhằm giảm bớt chi phí, thời gian của tổ chức, cá nhân trong thực hiện các quy định về thống kê báo cáo. Triển khai thực hiện phòng họp không giấy;vận hành phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc của Sở Du lịch; xây dựng “Chính quyền điện tử Sở Du lịch Bình Định” trên Zalo OA….

Trong truyền thông, quảng bá du lịch, chúng tôi vận hành Cổng thông tin du lịch Bình Định với việc cung cấp thông tin các điểm đến, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, điểm tham quan, mua sắm, các sự kiện du lịch, chương trình du lịch… kết hợp với cá nhân hóa hành trình du lịch dành cho khách du lịch, tích hợp bản đồ du lịch giúp cho du khách dễ dàng tiếp cận, tìm kiếm thông tin du lịch của tỉnh. 

Sở Du lịch và các doanh nghiệp du lịch Bình Định đã chủ động sử dụng hiệu quả các nền tảng mạng xã hội như facebook, tiktok, youtube… để tăng  cường thông tin, quảng bá du lịch. Thông qua việc thực hiện các hình ảnh, video, bài viết đa dạng, hấp dẫn đăng tải trên các nền tảng trên đã góp phần tạo kênh truyền thông đa chiều, đưa thông tin du lịch Bình Định đến lượng lớn người tiêu dùng du lịch.  

Ngoài ra, Sở Du lịch cũng đã thực hiện các ấn phẩm du lịch bằng hình thức ấn phẩm điện tử, qua các mã QR để thuận tiện trong công tác quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch tỉnh và tạo thuận lợi cho khách du lịch khi tìm kiếm, tiếp cận  thông tin du lịch. Cụ thể như: thực hiện gắn mã QR-Code về các chương trình, sự kiện, lễ hội du lịch của tỉnh và của các địa phương, tạo mã QR giới thiệu thông tin về các Tháp Chăm Bình Bịnh và một số di tích lịch sử, văn hóa, Bảo tàng (Bảo tàng Quang Trung, Tiểu chủng viện Làng Sông) một số lễ hội (Lễ hội đống Đa - Tây Sơn, Lễ hội đua thuyền Gò Bồi, Lễ hội Chợ gò); đã hoàn thành kho dữ liệu quảng bá với công nghệ mới ảnh 360, 3D tại Bảo tàng Quang Trung, hình thành dữ liệu giọng nói (thuyết minh ảo) của các điểm du lịch, làng nghề, di tích tích hợp trên Cổng thông tin du lịch Bình Định và đăng tải tuyên truyền trên mạng xã hội.

- Du lịch Bình Định đang có nhiều khởi sắc cả về lượng khách và doanh thu. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả mà công nghệ thông tin, chuyển đổi số mang lại cho ngành du lịch tỉnh nhà?

Cùng với việc tập trung đầu tư, từng bước hiện đại hoá, cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển du lịch, trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã góp phần quan trọng thúc đẩy du lịch Bình Định phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua và nhanh chóng phục hồi sau 2 năm bị khủng hoảng do đại dịch Covid 19.

Lượng khách đến Bình Định năm 2022 là hơn 4,1 triệu lượt (trong đó khách quốc tế đạt gần 79.000 lượt), tăng 185,2% so với năm 2021; 9 tháng đầu năm 2023 đón được hơn  4,3  triệu lượt khách, tăng 21,16%  so với cùng kỳ năm 2022. 

Bình Định từ một địa phương ít người biết, chỉ là điểm dừng chân, nay trở thành một điểm đến, được nhiều báo, tạp chí, khách du lịch trong và ngoài nước đánh giá cao.

du lich binh dinh.jpeg
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã góp phần quan trọng thúc đẩy du lịch Bình Định phát triển mạnh mẽ. (Ảnh: D.A)

Du lịch thông minh là xu thế phát triển tất yếu của Bình Định

- Mục tiêu hướng đến của chuyển đổi số du lịch Bình Định là gì, thưa ông?

Du lịch thông minh là xu thế tất yếu của sự phát triển du lịch “xuyên biên giới”, mục tiêu hướng đến của chuyển đổi số du lịch mà Bình Định hướng đến là các doanh nghiệp trên lĩnh vực công nghệ thông tin quan tâm tiếp cận các doanh nghiệp du lịch Bình Định để  phối hợp triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, quảng bá hình ảnh, thông tin nhanh chóng về các sản phẩm, dịch vụ, chương trình  khuyến mại đến người dân và du khách; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tiếp cận đối tác trong và ngoài nước…góp phần xây dựng du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới.

- Trong thời gian tới, Sở Du lịch Bình Định sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp gì để đẩy nhanh chuyển đổi số trong ngành du lịch, để chuyển đổi số là “bệ đỡ” cho du lịch Bình Định tiến bước?

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, để du lịch Bình Định ngày càng phát triển bền vững và hướng đến mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh gắn với mục tiêu chuyển đổi số, Sở Du lịch sẽ tiếp tục tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu số ngành Du lịch; hệ thống cơ sở dữ liệu về thông tin doanh nghiệp du lịch Bình Định.

Đồng thời, duy trì, vận hành và cập nhật thường xuyên nội dung thông tin, hình ảnh, video quảng bá du lịch Bình Định trên Cổng thông tin du lịch Bình Định; Nâng cao năng lực đội ngũ nguồn nhân lực làm công tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số trong du lịch. Nội dung đào tạo, chuyển giao từ cơ bản đến nâng cao đáp ứng yêu cầu, trong đó tập trung cho nhóm quản lý điều hành hệ thống, nhóm chuyên viên có trình độ và hiểu biết về công nghệ thông tin.  

Sở Du lịch sẽ tiếp tục triển khai xây dựng mã code-QR về các video thuyết minh ảo tại các điểm du lịch, làng nghề, di tích…; tăng trải nghiệm cho khách du lịch thông qua xây dựng các tour du lịch ảo, du lịch trực tuyến đem lại cảm giác mới lạ cho du khách.

Xin cảm ơn ông!

Diệu Thuỳ