- Mọi hoạt động kêu gọi thu hút đầu tư vào Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội (Bình Định) dường như đã tạm dừng. Tất cả đang chờ đợi siêu dự án lọc hóa dầu đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư.
Mới đây, ngày 8/9, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) đã báo cáo khả thi Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Victory tại KKT Nhơn Hội với Bộ Công thương. Dự án có tổng vốn đầu tư 22 tỷ USD so với dự kiến là 27 tỷ USD) trước đây với năng lực sản xuất khoảng 400.000 thùng dầu thô/ngày. PTT cho biết, nếu được Chính phủ phê duyệt, 2015, nhà đầu tư sẽ lập dự toán chi tiết; năm 2016 triển khai và 2020 cho ra sản phẩm đầu tiên.
Chờ đợi và lo lắng
Ông Man Ngọc Lý, Trưởng ban Ban quản lý KKT Bình Định cho biết, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu không kêu gọi, thu hút thêm các dự án đầu tư mới vào KKT Nhơn Hội và chuẩn bị GPMB để phục vụ dự án lọc hóa dầu. Thông tin này cũng được lãnh đạo tỉnh Bình Định xác nhận.
Được biết, KKT Nhơn Hội có diện tích 12.000 ha với 3 khu công nghiệp (KCN) A, B, C và khu phi thuế quan với diện tích gần 2.000 ha. Về cơ bản, dự án lọc hóa dầu sẽ bao trùm lên toàn bộ diện tích của 3 KCN A, B, C với khoảng 1.500 ha.
Hiện khu A, B, C đã được tỉnh cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dựng đất cho 3 nhà đầu tư để xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN. Trong đó tại khu B có 6 dự án với tổng vốn đầu tư gần 80 triệu USD, khu A có 2 dự án, còn khu C hầu như trống trơn.
Trước thông tin có chủ trương không kêu gọi, thu hút thêm các dự án đầu tư mới vào KKT Nhơn Hội và chuẩn bị giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án lọc hóa dầu đang khiến cho các nhà đầu tư tại đây lo lắng.
Ông Tạ Minh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Hong Yeung, chủ đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng tại khu B cho biết, chúng tôi có nghe được thông tin này từ Ban quản lý KKT Bình Định, nhưng đến nay không hề nhận được văn bản chính thức nào về vấn đề này. Vì vậy chúng tôi vẫn tiến hành đầu tư xây dựng hạ tầng và kêu gọi đầu tư bình thường.
Mọi hoạt động kêu gọi thu hút đầu tư vào Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội (Bình Định) dường như đã tạm dừng |
Tuy nhiên, vừa qua có 1 số đoàn DN Nhật Bản, Trung Quốc đến tìm hiểu đầu tư các dự án chế biến nông sản, may mặc với diện tích thuê dự kiến khoảng 300 ha, vốn đầu tư khoảng 600 triệu USD, nhưng nghe thông tin trên nên họ chần chừ.
"Kinh doanh hạ tầng nhưng không thu hút được các nhà đầu tư và cũng không biết chắc chắn, dự án lọc hóa dầu có đầu tư vào hay không, bao giờ thì bắt đầu", ông Tạ Minh lo lắng.
Ông Minh cho rằng, các nhà đầu tư cần sự rõ ràng từ lãnh đạo tỉnh Bình Định. Nếu yêu cầu không thu hút đầu tư, phải ban hành văn bản và phải chính sách rõ ràng.
Trong số các DN đầu tư tại Khu B, có Công ty Minh Dương chế biến tinh bột sắn với tổng vốn 68 triệu USD, thuê đất 50 năm, đã hoàn thành giai đoạn 1, đi vào hoạt động. Hiện tại, DN này vẫn đang tiến hành xây dựng nhà xưởng, mở rộng sản xuất giai đoạn 2 theo kế hoạch.
Tuy nhiên DN này rất lo lắng, liệu khi dự án lọc hóa dầu lấy đất ở đây, họ có phải chuyển đi nơi khác, khi nào thì phải chuyển, đền bù ra sao...?. Bởi vì, nếu phải di dời sang địa điểm khác, chắc chắn sản xuất sẽ bị ảnh hưởng, có thể mất khách hàng, bởi phải tạm dừng.
Mới chỉ là đề xuất?
Theo ông Man Ngọc Lý, yêu cầu ngừng thu hút đầu tư là theo ý kiến của tập đoàn PTT. Họ muốn ngừng thu hút đầu tư để dành quỹ đất cho dự án lọc dầu rất lớn. BQLcũng có đặt vấn đề nếu ngừng thu hút đầu tư, mà sau này PTT không đầu tư dự án lọc hóa dầu tại đây thì phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại. Tuy nhiên, họ chỉ đề xuất như vậy thôi chứ không có cam kết gì cả.
Trong khi đó, dù dự án lọc hóa dầu đã được các cơ quan chức năng ủng hộ, nhà đầu tư cũng thể hiện sự quyết tâm, nhưng vẫn không khỏi có nhiều e ngại.
Hiện, PTT muốn có đối tác là DN Nhà nước của Việt Nam cùng tham gia dự án để yên tâm, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được. Trước đây PTT đề xuất danh sách có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Xăng dầu Quân đội. Tuy nhiên, PVN đã phản đối, còn các DN khác không có ý kiến gì.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia tỏ ra lo ngại về tính khả thi của việc kêu gọi vốn "siêu dự án lọc hóa dầu". Trong tổng vốn đầu tư, phía PTT chỉ chịu trách nhiệm khoảng 5 tỷ USD, ngoài ra kêu gọi các DN trong nước và nước ngoài tham gia góp khoảng 4 tỷ USD, để thành lập một liên doanh, có tư cách pháp nhân làm chủ đầu tư. Sau đó, liên doanh này sẽ đứng ra vay thương mại số còn lại. Tuy nhiên để thu xếp phần đi vay hơn 10 tỷ USD là không đơn giản.
Với tiến độ hiện nay, nhiều chuyên gia băn khoan, nếu Chính phủ có phê duyệt, cấp phép thì chưa chắc 2016 đã có thể khởi công vì quá trình chuẩn bị một siêu dự án như thế cần rất nhiều thời gian.
Trong khi đó, các nhà đầu tư trong khu KKT Nhơn Hội sẽ chẳng thể yên tâm sản xuất kinh doanh và tất cả đang nín thở chờ tiến triển của siêu dự án lọc dầu.
Trần Thủy