Ngày 25/6, Bình Định đã tổ chức hội nghị thúc đẩy đầu tư, phát triển thương mại, du lịch với các đối tác Ấn Độ. Đây là cơ hội để tỉnh Bình Định gặp gỡ và giới thiệu tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tiềm năng, thế mạnh của địa phương với các đối tác Ấn Độ nhằm tăng cường hợp tác đầu tư giữa hai bên.
Nhiều tiềm năng, lợi thế
Bí thư tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, tỉnh đã và đang tích cực chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư, thương mại, du lịch nước ngoài, trong đó đặc biệt chú trọng các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác Ấn Độ. Tỉnh đã tiếp nhận các chuyên gia du lịch do phía Ấn Độ phái cử, tăng cường kết nối với các công ty lữ hành của Ấn Độ để hỗ trợ quảng bá thông tin du lịch Bình Định, nhờ vậy, khách du lịch Ấn Độ biết đến Bình Định ngày càng nhiều hơn.
“Bình Định đã xác định tầm nhìn, định hướng phát triển tương lai sẽ là trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; kinh tế phát triển bền vững dựa trên các trụ cột: công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ thông tin và AI; du lịch chất lượng cao; nông nghiệp hữu cơ và hệ thống logistics hiệu quả. Những lĩnh vực này đều là thế mạnh của Ấn Độ.
Đồng thời, những ảnh hưởng, giao thoa giữa văn hóa Ấn Độ và Việt Nam được thể hiện đậm nét tại Bình Định, nơi từng là cố đô của Vương quốc Chămpa. Tôi tin rằng, đây là chìa khóa để thu hút cộng đồng doanh nghiệp, người dân, du khách Ấn Độ đến tìm hiểu, du lịch, khám phá cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Bình Định”, ông Dũng nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, Ấn Độ hiện đứng thứ 25/146 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 407 dự án và tổng vốn đăng ký hơn 1,02 tỷ USD. Trong đó, các nhà đầu tư Ấn Độ hiện có 4 dự án đầu tư tại Bình Định với tổng vốn đăng ký đạt 3,24 triệu USD.
Thứ trưởng đánh giá, quan hệ hợp tác đầu tư giữa Ấn Độ với Bình Định vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các bên. Dư địa cho hợp tác đầu tư trong các ngành lĩnh vực tiềm năng còn rất lớn, đặc biệt là các lĩnh vực năng lượng sạch, đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, y tế, nông nghiệp công nghệ cao... Thứ trưởng Đỗ Thành Trung khẳng định, Bộ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp Ấn Độ tiến hành đầu tư thành công, bền vững, lâu dài tại tỉnh Bình Định.
Cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi
Ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM bày tỏ, ông đã đến Quy Nhơn nhiều lần và nhận thấy rằng nơi này có tiềm năng lớn để phát triển các ngành công nghiệp lớn và nhỏ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả sản xuất. Lãnh sự quán Ấn Độ sẽ hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư từ các lĩnh vực đa dạng của Ấn Độ vào Việt Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho hay, các doanh nghiệp Ấn Độ có thế mạnh trong các lĩnh vực: Trí tuệ nhân tạo, các dịch vụ công nghệ phần mềm, chế tạo, dược phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ nano, viễn thông, đóng tàu, hàng không... Đây chính là những lĩnh vực rất phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang là xu thế tất yếu của thế giới và của Việt Nam, AI đang phát triển rất mạnh mẽ, sâu rộng. Chính vì vậy, tỉnh Bình Định đã đột phá trong việc đi đầu cả nước về hình thành Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ đầu tiên tại Việt Nam. Dự án có quy mô đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, dự kiến nhân sự 20.000 người. Hướng đến mục tiêu đưa Quy Nhơn thành trung tâm trí tuệ nhân tạo của Việt Nam. Tổ hợp này cũng là nơi sản xuất phần mềm, cung ứng các dịch vụ công nghệ cao, dựa trên các công nghệ AI, Internet vạn vật, Big data…
“Ấn Độ cũng đang dần thu hút sự chú ý toàn cầu, trên đà trở thành một trung tâm AI, đặc biệt là khi nói đến nhân tài công nghệ. Do vậy, việc hợp tác phát triển lĩnh vực này giữa hai bên là phù hợp với nhu cầu, chiến lược hợp tác”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho hay.
Cũng theo ông Tuấn, Bình Định đang tập trung chú trọng phát triển hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn toàn tỉnh, hạ tầng khu kinh tế, các khu công nghiệp; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi không gian phát triển…; cải cách thủ tục hành chính được ưu tiên hàng đầu.
“Với quan điểm không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để phấn đấu trở thành “điểm đến lý tưởng” đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bình Định luôn coi lợi ích hợp pháp, chính đáng và thành công của nhà đầu tư là thành công của chính mình. Đến với Bình Định, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư Ấn Độ sẽ được tạo mọi thuận lợi để thực hiện dự án thành công và phát triển bền vững”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Tại hội nghị, hai bên đã ký kết một số bản ghi nhớ quan trọng như ký kết MoU giữa UBND tỉnh Bình Định và Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM; bản ghi nhớ của các hiệp hội, doanh nghiệp liên quan như ký kết bản ghi nhớ giữa hội doanh nhân trẻ tỉnh Bình Định và tổ chức thương mại kinh tế Ấn Độ...
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng mong muốn các doanh nghiệp đến từ Ấn Độ tiếp tục tăng cường hợp tác phát triển bởi hai bên đã nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện từ nhiều năm nay. Đồng thời, hy vọng các nhà đầu tư tiếp tục tìm hiểu, khảo sát và có thể kịp thời lựa chọn cho mình những dự án đầu tư tiềm năng tại Bình Định. "Chúng tôi cam kết khi đầu tư tại Bình Định, quý doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện dự án thành công và phát triển bền vững", Bí thư Bình Định nhấn mạnh. |
Diệu Thùy - Nguyễn Hiền