Nguồn vốn tín dụng : Điểm tựa cho công tác giảm nghèo của tỉnh

Tỉnh Bình Định thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, có diện tích tự nhiên 6.025 km2, có 8 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố, trong đó: Giai đoạn 2016-2021, tỉnh có 3 huyện miền núi nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; giai đoạn 2021 - 2025 có 1 huyện nằm trong danh sách 74 huyện nghèo thuộc 26 tỉnh, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thuộc 12 tỉnh do Chính phủ phê duyệt. 

Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã trở thành điểm tựa cho công tác giảm nghèo của tỉnh. Thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Đặc biệt kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội, để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Định đã triển khai và thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2016-2021, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, 90% dư nợ tín dụng chính sách được tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, giáo dục và đào tạo,... 

Nguồn vốn tín dụng chính sách là đòn bẩy giúp nhiều hộ nghèo vươn lên làm kinh tế. 

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách sách xã hội tỉnh đã giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách cho hơn 234 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, giúp gần 49 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; gần 19 nghìn lượt hộ gia đình tại các vùng khó khăn được vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế; tạo việc làm cho hơn 46 nghìn lao động; giúp hơn 1 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; gần 16 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 113 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, hơn 2 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách.

Tín dụng chính sách xã hội đã trở thành nguồn vốn quen thuộc với người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao mức sống của người dân; góp phần quan trọng vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của tỉnh, giảm số xã thuộc vùng khó khăn từ 58 xã cuối năm 2015 và đến nay chỉ còn 22 xã; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 13,35% vào đầu năm 2016 xuống còn 3,13% vào cuối năm 2021; hộ cận nghèo từ 6,81% vào đầu năm 2016 xuống còn 4,28% vào cuối năm 2021. 

Riêng các huyện nghèo, nhờ tín dụng chính sách xã hội đã giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 62,57% vào đầu năm 2016 xuống còn 23,47% vào cuối năm 2021; đồng thời, thông qua các chương trình tín dụng chính sách đầu tư cho vay tại các xã xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 5 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn; tổng số xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đến cuối năm 2021 là 83 xã, đạt tỷ lệ 73,5% và có 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 5.130 tỷ đồng, tăng 2.608 tỷ đồng so với cuối năm 2015. Trong đó: Nguồn vốn huy động từ tổ chức, cá nhân đạt 705 tỷ đồng, tăng 593 tỷ đồng (gấp hơn 5 lần) so với cuối năm 2015. Đặc biệt từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác tăng 452,8 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác lên 476,3 tỷ đồng (gấp hơn 17 lần) chiếm tỷ trọng 9,3% trên tổng nguồn vốn.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Định luôn ưu tiên nguồn lực cho các xã, huyện vùng miền núi khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, đáp ứng 100% các hộ có nhu cầu, chỉ cần các hộ có phương án phát triển kinh tế, sử dụng đúng mục đích.

Thống kê cho thấy, bình quân cho vay của các hộ huyện miền núi và các xã khó khăn luôn cao hơn mức cho vay bình quân chung toàn tỉnh. Như huyện miền núi nghèo An Lão, dư nợ bình quân đạt 69,26 triệu đồng/hộ, trong khi bình quân dư nợ của tỉnh đạt 53,8 triệu đồng/hộ.

5 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM

Trong suốt 20 năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách tỉnh Bình Định đã đưa 17 chương trình tín dụng ưu đãi trải rộng đến từng thôn, xóm trên 159 xã, phường, thị trấn. 

Nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 476,7 tỷ đồng, tăng 463,4 tỷ đồng so với năm 2002. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh tăng 416,5 tỷ đồng, cấp huyện tăng 46,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9%/tổng nguồn vốn.

Doanh số cho vay các chương trình tín dụng của chi nhánh từ đầu năm 2003 đến nay đạt 16.097 tỷ đồng, với gần 726 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. 

Nguồn vốn ưu đãi đã giúp hơn 116 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 81 nghìn lao động (hơn 2 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); tạo điều kiện cho hơn 107 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 202 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hơn 6 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo, gần 47 nghìn hộ gia đình tại vùng khó khăn được vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống từng bước vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng 808 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/NĐ-CP.

Những thành quả này góp phần cho toàn tỉnh có 5 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tổng số xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đến cuối năm 2021 là 83 xã, đạt tỷ lệ 73,5% và có 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Nhiều gia đình thoát nghèo nhờ được vay vốn ưu đãi, như ông Đinh Văn Na ở xã An Toàn (huyện An Lão) làm y sỹ tại trạm y tế xã, kinh tế gia đình thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Với quyết tâm thoát nghèo, vợ chồng ông mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn hộ nghèo để nuôi bò, nuôi trâu. Sau khi có nguồn thu nhập từ nuôi gia súc, ông Na đã trả hết nợ cũ và được hỗ trợ vay thêm 50 triệu đồng nữa để tăng đàn. Đến năm 2020, gia đình ông chính thức thoát nghèo. Tổng đàn gia súc hiện tăng lên 10 con bò, 10 con trâu cùng 10ha quế. Ngoài nuôi trâu, bò, ông Na còn mở rộng xây dựng chuồng trại quy mô lớn nuôi lợn đen theo mô hình sinh học. 

Ngoài ra, với khoản tiền tích lũy được từ chăn nuôi bán trâu bò 4 - 5 con/năm những năm trước, gia đình ông đã xây một khu nhà làm du lịch homestay cho thu nhập 100 triệu đồng/năm. Kinh tế dư dả cũng giúp ông chăm lo cho 2 người con ăn học. 

Hay như gia đình ông Đinh Văn Kem, cũng là một tấm gương sáng làm kinh tế trong cộng đồng ở xã An Toàn. Năm 2009, gia đình ông trong danh sách hộ nghèo của địa phương, nhiều năm sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn, đói nghèo đeo bám, gia đình vẫn phải trông chờ gạo cứu đói 50kg/khẩu/năm. 

Sau đó, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các cấp hội và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, ông Kem được vay 20 triệu đồng mua bò. Tuy nhiên, không may là lần đầu vay vốn nuôi gia súc của ông bị thất bại khi chưa có kỹ thuật nuôi nên bò bị chết. Ông tích cóp trả nợ rồi mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng để nuôi trâu và lợn. Với những kinh nghiệm, bài học lần trước, ông học hỏi thêm từ người có chuyên môn nên lần này đã thành công. 

Năm 2020, gia đình ông Kem ra khỏi danh sách hộ nghèo, trả hết nợ ngân hàng. Từ kinh nghiệm chăn nuôi tích lũy, ông tiếp tục vay 95 triệu đồng chương trình hộ mới thoát nghèo, rồi vay tiếp 90 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm tháng 9/2021 để mở rộng đàn trâu và lợn đen theo sản phẩm OCOOP của huyện An Lão. Ông Kem cũng đăng ký vay vốn tín dụng chính sách thêm 20 triệu đồng từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường về làm nhà vệ sinh, cũng như dẫn nước sạch sinh hoạt, nâng cao chất lượng sống. Hiện nay, gia đình ông có đàn trâu 25 con, cùng với khoản thu từ chăm sóc và quản lý 50ha rừng phòng hộ và khai thác mật ong, nhờ đó, cuộc sống của gia đình ông dần có của ăn, của để.

Hiện có rất nhiều hộ nghèo ở Bình Định như gia đình ông Na, ông Kem đã từng bước thoát nghèo, trở thành hộ khá, hộ giàu nhờ “điểm tựa” vốn tín dụng chính sách xã hội. 

Tính đến cuối năm 2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trong tỉnh đạt trên 5.289 tỷ đồng, tăng hơn 5.209 tỷ đồng so với cuối năm 2002, gấp hơn 66 lần so với dư nợ nhận bàn giao, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 25,1% (đạt so kế hoạch giao), tốc độ tăng trưởng dư nợ tăng dần qua các năm, với hơn 98 nghìn hộ còn dư nợ. Trong đó, dư nợ tín dụng chính sách phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế và việc làm đạt trên 3.850 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 72,8%/tổng dư nợ, tăng hơn 3.773 tỷ đồng so với 31/12/2002. Dư nợ tín dụng chính sách phục vụ đời sống, sinh hoạt đạt trên 1.439 tỷ đồng, chiếm 27,2%/tổng dư nợ, tăng hơn 1.436 tỷ đồng so với năm 2002.

Qua việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng giúp hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn có nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Quỳnh Nga