Phát triển kinh tế - xã hội dựa trên 3 trụ cột tăng trưởng
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương vừa phối hợp với Tổng công ty Becamex IDC và Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng (VIUP) tổ chức Hội thảo đầu kỳ Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, công tác xây dựng quy hoạch tỉnh đã trải qua gần 1/3 chặng đường.
Trong 2 tháng qua, đơn vị tư vấn đã cùng với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thu thập dữ liệu hiện trạng, tổng hợp các ý tưởng, mong muốn, kỳ vọng và những định hướng chiến lược lớn của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành, địa phương trên toàn tỉnh. Từ đó, xây dựng khung định hướng phát triển tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Nhân cho hay, hội thảo lần này có vai trò cực kỳ quan trọng, là cơ hội để bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện các định hướng chiến lược cũng như các kịch bản phát triển trong quy hoạch tỉnh, làm cơ sở pháp lý triển khai thực hiện cho cả một thời kỳ trung và dài hạn sắp tới.
Tại hội thảo, đơn vị tư vấn đã báo cáo: Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Bình Dương phát triển theo mô hình thành phố trực thuộc Trung ương, là cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Theo đó, tỉnh sẽ đi đầu trong chuyển đổi mô hình phát triển, hướng tới các ngành công nghiệp hiện đại và dịch vụ chất lượng cao dựa trên hạt nhân là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh.
Việc tổ chức phát triển đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế và hiện trạng kinh tế - xã hội. Phát triển kinh tế hài hòa với bảo vệ môi trường. Chú trọng an sinh và công bằng xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ.
Đến năm 2050, Bình Dương là thành phố thông minh; trung tâm công nghiệp hiện đại; trung tâm dịch vụ chất lượng hàng đầu châu Á; là môi trường văn minh, đáng sống, thịnh vượng, bền vững; là một trong các địa phương đi đầu trong hoàn thành mục tiêu phát thải trung tính "Net - zero 2050".
Trên cơ sở đó, định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh dựa trên 3 trụ cột tăng trưởng (công nghiệp; dịch vụ; đô thị thông minh, sinh thái), 1 trụ cột an sinh xã hội (phát triển nông nghiệp bền vững, hữu cơ) cùng 6 yếu tố hỗ trợ là nguồn vốn đa dạng, sử dụng hiệu quả; nguồn lực chất lượng cao; cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; an sinh xã hội được đảm bảo; chính sách và thể chế đột phá; chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ.
Với điều kiện hiện trạng của Bình Dương và định hướng liên kết vùng, đơn vị tư vấn đề xuất phương án tổ chức không gian lãnh thổ Bình Dương phát triển trở thành vùng đổi mới sáng tạo gồm 1 trục phát triển; 2 hành lang sinh thái; 3 vành đai liên kết; 4 phân vùng phát triển.
Kim chỉ nam cho các định hướng phát triển tiếp theo
Theo các đại biểu, Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là kim chỉ nam cho các định hướng phát triển tiếp theo, đóng vai trò như "dây cương" để điều tiết, phân phối và kiểm soát sự phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu.
Các định hướng chiến lược lớn trên tất cả các ngành, lĩnh vực cần phải được cụ thể hóa bằng các dự án động lực mang tính chiến lược, được thúc đẩy và đảm bảo thực hiện bằng nguồn lực và các chính sách được dự trù, tính toán trước.
Quy hoạch tích hợp sẽ trở thành công cụ tháo gỡ các nút thắt hiện nay của tỉnh, đặc biệt trở thành công cụ điều hành để tỉnh vượt thoát bẫy thu nhập trung bình đầu tiên trong cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến đóng góp, bám vào chỉ tiêu phát triển theo Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam bộ để xây dựng quy hoạch.
Trong đó, tập trung hoàn thiện, làm rõ hơn nữa các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển của tỉnh, phải phấn đấu cao hơn mục tiêu của vùng, đảm bảo thể hiện được tầm quan trọng và sự đóng góp của tỉnh trong sự phát triển chung theo lộ trình cơ cấu lại nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cần làm rõ các động lực phát triển một cách trọng tâm, không dàn trải. Xây dựng chiến lược phát triển các địa phương phía Nam trở thành vùng trung tâm. Dịch chuyển công nghiệp lên phía Bắc; nâng cấp đô thị…
Các chiến lược phát triển phải được cụ thể hóa thông qua phân bổ không gian đô thị và các dự án hạ tầng cụ thể, đảm bảo tính khả thi và mang lại hiệu quả cao.
Song song với phát triển kinh tế, cần có những hướng đi, giải pháp hữu hiệu trong phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống tinh thần cho người dân ngang tầm với phát triển kinh tế. Đủ cơ sở đăng cai các sự kiện văn hoá, thể dục thể thao quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu giải trí, thụ hưởng đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư… để Bình Dương là một nơi đáng sống.
Xây dựng và đề xuất Trung ương ban hành khung cơ chế, chính sách đặc thù cho địa phương để huy động nguồn lực tối đa đẩy nhanh tiến độ triển khai, đưa quy hoạch đi vào thực tế.
Thúy Thương