Bình Dương là địa phương đi đầu cả nước trong chủ động phát triển hạ tầng giao thông. Năm 2022, tỉnh tiếp tục huy động nhiều nguồn lực để triển khai thêm các dự án giao thông đường bộ, tạo đà cho sự phát triển bền vững.

Cụ thể với các dự án, công trình giao thông mang tính đối ngoại, kết nối vùng, tỉnh Bình Dương tích cực phối hợp với địa phương triển khai nhiều dự án giao thông kết nối vùng tạo động lực cho sự phát triển như Tuyến vành đai 4 có tổng chiều dài toàn tuyến 199km, trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài 48,3km, quy mô quy hoạch 8 làn xe cao tốc..

Dự án Đường vành đai 3 có tổng chiều dài 92km, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài 25,92km. Trong đó, đoạn đi trùng với đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 15,3km đã được xây dựng với quy mô 6 làn xe ô tô, đoạn chưa đầu tư dài 10,62Km. Tổng mức đầu tư là 19.280 tỷ đồng, bằng vốn đầu tư công (50% ngân sách Trung ương, 50% ngân sách địa phương).

Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai dự án… 

Bình Dương là địa phương đi đầu cả nước trong chủ động phát triển hạ tầng giao thông.

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, tỉnh đang tiếp tục đầu tư, nâng cấp nhằm khai thông, giảm ùn tắc, mở rộng thêm hai làn xe tuyến đại lộ Bình Dương từ giáp ranh TP. Hồ Chí Minh đến giáp ranh TP. Thủ Dầu Một, chiều dài 12,6 km theo hình thức BOT, tổng mức đầu 1.367 tỷ đồng. Hiện, các đơn vị đang tập trung giải phóng mặt bằng, chuẩn bị cho lễ khởi công.

Trong khi đó, tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn sẽ đầu tư bằng nhiều hình thức như: Xây dựng 8 hầm chui, cầu vượt tuyến chính; 9 hầm chui dân sinh; 8 cầu vượt bộ hành; 11,7 km đường gom theo hình thức BOT. Công tác sửa chữa tuyến đường này cũng được triển khai bằng hình thức O&M (quản lý kinh doanh) hàng năm; trùng tu, đại tu cho hạng mục giao thông, cây xanh, chiếu sáng, vệ sinh. Tổng mức đầu tư: 7.258,603 tỷ đồng; trong đó, đầu tư theo hình thức BOT: 6.619,3 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức O&M: 639,2 tỷ đồng.

Với quyết tâm hoàn thành các dự án trong nhiệm kỳ 2021 - 2025, thời gian qua tỉnh Bình Dương đã lập 6 tổ, phân công từng lãnh đạo chủ chốt giám sát quá trình thực hiện. 

Theo đó, tỉnh quyết định thành lập 6 tổ chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án trọng điểm. Bao gồm: Dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, Dự án Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Dự án Tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT746, ĐT747b, ĐT743 do ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm tổ trưởng cùng các thành viên. Dự án Đường vành đai 4 và Dự án Nút giao Sóng Thần với đường Phạm Văn Đồng, TP. Hồ Chí Minh do ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng cùng các thành viên. Dự án Đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh do ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm tổ trưởng cùng các thành viên.

Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho hay: “Để triển khai thực hiện các dự án, tỉnh yêu cầu huy động tổng lực cả hệ thống chính trị và người dân. Trong quá trình chỉ đạo công tác đền bù giải tỏa, tỉnh sẽ thực hiện các bước thật thận trọng, chu đáo để tạo ra sự đồng thuận lớn trong nhân dân và các đoàn thể. Song song đó, tỉnh sẽ tạo điều kiện để các nhà đầu tư cũng như các đơn vị phối hợp hoàn thành trong thời gian sớm nhất các dự án theo tiến độ đề ra”.

Hạ An