UBND tỉnh Bình Dương vừa ra văn bản chỉ đạo tăng cường công tác tiêm vắc xin và phòng, chống sởi trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp các sở liên quan tiếp tục tăng cường và triển khai công tác tiêm vắc xin phòng bệnh sởi trên địa bàn tỉnh năm 2024, phấn đấu triển khai đạt trên 95% trẻ thuộc nhóm đối tượng tiêm chủng; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các ban, ngành và UBND các huyện, thành phố huy động nhân lực hỗ trợ các hoạt động truyền thông, tổ chức triển khai tiêm vắc xin tại các điểm tiêm khu phố, ấp.
Đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh; chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan, bùng phát. Tiếp tục triển khai tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là tại các địa bàn có nguy cơ bùng phát bệnh sởi hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh sởi thấp; không bỏ sót các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc xin sởi.
Song song đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, các trường học phối hợp với ngành Y tế triển khai tiêm vắc xin Sởi - Rubella (MR). Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sởi và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, dụng cụ học tập, phòng hộ cá nhân, vệ sinh tay… tại các trường học, cơ sở giáo dục.
Mặc dù cơ bản được kiểm soát, nhưng một số dịch vẫn có nguy cơ và tỷ lệ mắc tăng cao như: sởi, ho gà, bạch hầu… Báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 20.469 trường hợp nghi sởi, trong đó có 4.918 ca dương tính và 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi (tại TP.HCM, Bến Tre và Bình Dương).
Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm 2023, số ca nghi mắc sởi cao hơn 52,9 lần, số ca sởi dương tính cao hơn 111 lần; nhiều trường hợp trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin nhưng đã mắc sởi. TPHCM là địa phương có số nghi mắc và ca dương tính với sởi cao nhất (5.434 ca nghi sởi và 1.552 ca dương tính với sởi); tiếp đó là: Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp…
Thống kê tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 11/2024 tiếp nhận điều trị gần 200 ca mắc sởi. Số ca mắc mới đang tiếp tục tăng và tỷ lệ trẻ mắc sởi ở độ tuổi dưới 9 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi) chiếm hơn 31% và ở trẻ đã đến tuổi nhưng chưa tiêm chủng chiếm tới 40%.
Phó Cục trưởng Y tế dự phòng Nguyễn Lương Tâm đánh giá: “Tình hình dịch sởi vẫn diễn biến phức tạp, khi tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc, ổ dịch tăng cục bộ tại một số địa phương”.
Tổ chức Y tế thế giới cũng đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Sau đại dịch Covid-19, số mắc sởi tăng cao trên toàn thế giới với 10,3 triệu ca mắc, trong đó có hơn 107.000 ca tử vong, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi; khu vực Tây Thái Bình Dương có số ca mắc sởi tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023.
Ngô Huyền