Bình Dương là một trong những tỉnh thành dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn công nghiệp, công nghệ lớn đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bình Dương xác định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng để kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ hàng đầu được các cấp, các ngành và doanh nghiệp tỉnh quan tâm thực hiện.
Ngay từ năm 2016, khi những yêu cầu về ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để phục vụ công nghiệp 4.0 bắt đầu bùng nổ, tỉnh Bình Dương đã xây dựng "Đề án thành phố thông minh Bình Dương" dựa trên mô hình liên kết ba nhà (nhà nước, nhà nghiên cứu/viện/trường, nhà doanh nghiệp). Đồng thời kêu gọi thu hút nguồn nhân lực và doanh nghiệp đến đầu tư. Trên cơ sở đó, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến liên kết với Bình Dương xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà máy sản xuất nhằm tận dụng những lợi thế, ưu đãi riêng của tỉnh.
Trong hành trình phát triển thành một thủ phủ công nghiệp hàng đầu của cả nước, Bình Dương đặc biệt quan tâm phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với mục tiêu hướng đến là phát triển thành phố thông minh Bình Dương trong tương lai.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh đã có quy hoạch và chiến lược phát triển cụ thể cho vùng này trên cơ sở mô hình ba nhà với sự tham gia của từ nhà nước, viện trường, doanh nghiệp, hỗ trợ, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển các sáng kiến, các thử nghiệm thực tế trong thành phố thông minh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã và đang triển khai các chương trình phát triển chiến lược, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, như: đẩy mạnh sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Tỉnh Bình Dương xác định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những biến số khó lường, yêu cầu chuỗi cung ứng và hàm lượng công nghệ trong sản xuất ngày càng cao.
Để phù hợp những yêu cầu mới, Bình Dương đã và đang phát triển một hệ sinh thái kiểu mới, bổ sung cho mô hình công nghiệp – đô thị – dịch vụ. Đó là xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, xây dựng các khu công nghiệp thông minh, đô thị thông minh, xanh, bền vững. Tiến tới xây dựng các khu công nghiệp gắn liền với khoa học công nghệ, thu hút các ngành có giá trị gia tăng cao, đưa nền công nghiệp Bình Dương đi lên phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, từng bước xây dựng động lực phát triển kinh tế mới, thay thế cho thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai.
Tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Sản xuất Bình Dương 2023, ông Giang Quốc Dũng - Phó Tổng giám đốc Tổng Công Ty Becamex IDC cho biết, Becamex IDC luôn đồng hành với các hoạt động của tỉnh Bình Dương.
"Chúng tôi đã và đang triển khai những chương trình chiến lược đi đúng với mục tiêu phát triển bền vững. Thúc đẩy việc tập trung mạnh mẽ vào những định hướng mang tính chiến lược về phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, ứng dụng sâu rộng vào công nghệ - kỹ thuật số, trên cơ sở lấy cộng đồng làm trọng tâm, lấy kết nối thông minh làm phương châm phát triển; sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong sản xuất, phát triển công nghiệp 4.0, tạo môi trường sống xanh - sạch hơn. Từ đó tạo tiền đề cho việc thu hút DN công nghệ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Giang Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Becamex IDC cho biết.
Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh Bình Dương nhấn mạnh, Bình Dương và Becamex IDC sẽ quyết liệt chuyển đổi trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghiệp theo hướng bền vững.
Theo đó, tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng trưởng trong ngành công nghiệp sản xuất tại Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung phục vụ mục tiêu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế số theo hướng tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp - dịch vụ chất lượng cao, tăng cường sự đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cửu Long