Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2023, đến nay, cả nước có 6.022/8.177 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 73,65%  (tăng 11,3% so với cuối năm 2020); 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ hay đạt chuẩn NTM, tăng 90 đơn vị so cuối năm 2020; 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM, tăng 07 địa phương so với cuối năm 2020.

Riêng tại Bình Dương, có 3/6 huyện, thị (bao gồm huyện Dầu Tiếng, thị xã Bến Cát, thành phố Tân Uyên) đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nông thôn mới; 41/41 xã đạt đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100%); 29/41 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 70,73%).

Tận dụng ưu thế của tỉnh có chỉ số phát triển công nghiệp cao, tỉnh Bình Dương là một trong những địa phương bước đầu triển khai mô hình “làng thông minh” thành công, từng bước tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa cho người dân.

Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương là một xã cù lao được bao bọc bởi sông Đồng Nai, thuần về phát triển nông nghiệp. Được chọn là địa phương đầu tiên của tỉnh triển khai “Đề án xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 gắn với xây dựng thí điểm làng thông minh" từ năm 2022. 

Một góc cù lao Bạch Đằng

Sau khi đề án được phê duyệt, Ủy ban nhân dân xã Bạch Đằng chỉ đạo các ban phát triển ấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, cơ chế, chính sách, nội dung xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu và “làng thông minh” đến từng hộ dân trên địa bàn xã tham gia thực hiện, nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện xây dựng nông thôn mới nói chung, “làng thông minh” nói riêng; qua đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tiếp tục huy động các nguồn lực để xây dựng các công trình hạ tầng; huy động sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện.

Ủy ban nhân dân thị xã Tân Uyên có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã Bạch Đằng tổ chức thực hiện đề án “Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu” giai đoạn 2021 - 2025, trong đó lồng ghép các nội dung thí điểm “làng thông minh”, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan lồng ghép các chương trình, dự án, hỗ trợ, hướng dẫn Ủy ban nhân dân xã Bạch Đằng trong quá trình triển khai, thực hiện; thu hút và huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế có tiềm năng tham gia các dự án, các hoạt động xây dựng và triển khai thực hiện “làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Đằng.​

Giai đoạn 2021 - 2023, TX.Tân Uyên sẽ tập trung đầu tư hạ tầng. Sang giai đoạn 2023 - 2025, địa phương sẽ phát triển chuyển đổi số.

Đến nay, tại xã Bạch Đằng, hệ thống đường giao thông liên ấp với 37 tuyến đã được bê tông, nhựa hóa và trồng hoa, cây xanh. Vườn bưởi VietGap đã được phát triển gồm 10 hộ với tổng diện tích 10ha, ứng dụng tem truy xuất nguồn sản phẩm. Bên cạnh đó, xã cũng đã đầu tư hệ thống đèn led chiếu sáng tiết kiệm năng lượng trên 3 tuyến đường, 35 điểm phát sóng wifi công cộng được lắp đặt, công tác vệ sinh môi trường thu gom và xử lý rác thải được thực hiện tốt.

Từ thành công bước đầu của mô hình “Làng thông minh” tại cù lao Bạch Đằng, huyện Phú Giáo cũng mạnh dạn xây dựng Đề án Làng thông minh. Tập trung vào các nội dung trọng tâm như thể chế thông minh, nguồn lực thông minh, hạ tầng thông minh, dịch vụ thông minh, sản xuất và kinh doanh thông minh, huyện Phú Giáo đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, 10/10 xã của huyện Phú Giáo được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới. Trong đó, 2/10 xã đã được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao.

Với nền tảng này, làng thông minh Phú Giáo sẽ triển khai theo định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ sẽ tập trung vào hệ thống cơ sở dữ liệu lớn trong sản xuất nông nghiệp và quản lý nông thôn. Riêng lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đã trở thành hướng đi tất yếu của huyện Phú Giáo lâu nay.  

Từ những tín hiệu tích cực bước đầu, tỉnh Bình Dương đang khuyến khích và tạo điều kiện để các huyện thị tiếp tục phối hợp các viện trường, doanh nghiệp nghiên cứu thực hiện mô hình này, gắn với điều kiện thực tế của mỗi địa bàn.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu đặt ra là 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 24% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tiến tới hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh thúc đẩy xây dựng nông thôn kiểu mẫu gắn liền với mô hình Làng thông minh. Lộ trình đến, năm 2025, tỉnh Bình Dương sẽ có “làng thông minh” đầu tiên, xứng đáng là miền quê đáng sống với môi trường thiên nhiên trong lành, phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, và là biểu tượng xanh của tỉnh.

Bạch Hân và nhóm PV, BTV