Cây “xóa đói giảm nghèo"

Bình Phước (được tách ra từ tỉnh Sông Bé năm 1997) thuộc vùng Đông Nam Bộ. Từ điều kiện đất rộng, người thưa, tỉnh Bình Phước đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển cây điều phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu. Chỉ trong thời gian ngắn, cây điều đã phủ khắp tỉnh. Đến đầu những năm 2000, cây điều bắt đầu đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Từ đó, điều được người dân Bình Phước gọi là cây “xóa đói giảm nghèo”.

Cây Điều Bình Phước

Theo Cục Thống kê tỉnh, lúc cao điểm, tỉnh có hơn 200.000 ha điều, hiện còn 141.595 ha, sản lượng hạt điều thô hơn 200.000 tấn/năm. Cây điều đang là cây trồng chủ lực tại các huyện: Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Bù Đốp... Điều Bình Phước có nhiều giống khác nhau nhưng chất lượng hạt điều tại đây được coi là số 1 thế giới. Chất lượng hạt điều được kết tinh bởi các yếu tố: Giống, phương thức chăm sóc, đặc biệt là thổ nhưỡng, khí hậu. Cây điều ở Bình Phước được trồng trên vùng đất đỏ bazan màu mỡ, mỗi năm có hai mùa nắng, mưa rõ rệt. Hầu hết vùng nguyên liệu điều ở Bình Phước được trồng tự nhiên, cây tự hút chất dinh dưỡng trong đất để phát triển; hằng năm, người trồng điều chỉ bón thêm một lượng phân hữu cơ nhất định. Gần 100% diện tích điều không sử dụng các loại thuốc kích thích tăng trưởng trong quá trình cây làm hạt.

Trong chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020- 2025, đã chú trọng việc trồng, chăm sóc và chế biến các sản phẩm nông nghiệp; ưu tiên phát triển nông nghiệp trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh và chuỗi giá trị, hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao theo hướng cụm, ngành, sản xuất hàng hóa tập trung theo tiêu chuẩn an toàn. Trong đó, tập trung vào ba nhiệm vụ quan trọng là tạo vùng nguyên liệu, chế biến và liên kết chuỗi; ba sản phẩm chủ yếu là hạt điều, các sản phẩm từ gỗ và chăn nuôi.

Khát vọng đưa hạt điều vươn ra thế giới

Năm 2021 được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Phước, Trung tâm nghiên cứu và Phát triển cây điều (Viện Khoa học kĩ thuật Nông nghiệp miền Nam) phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh triển khai xây dựng mô hình mẫu sản xuất và thâm canh điều bền vững (thuộc dự án khuyến nông Trung ương 2021-2023) tại xã Long Hưng, huyện Phú Riềng.

Sau hơn một năm triển khai thực hiện, với 15 ha mô hình thâm canh vườn điều thời kỳ kinh doanh được áp dụng theo quy trình canh tác thâm canh điều bền vững. Các biện pháp tỉa cành, tạo tán làm vườn điều thông thoáng; bón phân, xử lý thuốc BVTV hợp lý, đúng thời điểm được chú trọng đã giúp cây ra hoa nhiều, tăng tỷ lệ đậu trái, năng suất điều trong mô hình tăng lên đáng kể. Mặc dù bị ảnh hưởng thời tiết không thuận lợi gặp mưa giai đoạn hình thành quả, nhưng năng suất điều hạt của các hộ tham gia mô hình niên vụ 2021/2022 đạt trung bình 1,7 tấn/ha (cao hơn so với ngoài mô hình 292 kg/ha); thu nhập 30.205.500 đồng/ha, hiệu quả kinh tế của mô hình tăng 20,02% so với ngoài mô hình.

Thông qua mô hình, dự án cũng đã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng mới và thâm canh cây điều tổng hợp cho hơn 80 lượt người dân. Ngoài ra, dự án cũng đã hỗ trợ thành lập tổ hợp tác sản xuất điều Long Hưng, với 20 hộ tham gia trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và cùng có lợi. Mục đích của tổ hợp tác là thông tin, hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hạt điều và tăng thu nhập cho các thành viên; liên kết với doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm hạt điều để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế. Vừa qua mô hình đã được doanh nghiệp quan tâm đến tìm hiểu, tham quan và kí kết hợp đồng thu mua sản phẩm trong thời gian 2 năm (từ 2022 đến 2024).

Bình Phước cũng đã quy hoạch phát triển ngành điều của tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu ổn định diện tích cây điều theo hướng thâm canh, xen canh; gắn sản xuất với công nghiệp chế biến hạt điều; ứng dụng kỹ thuật tiên tiến để đa dạng hóa sản phẩm ngành điều, chủ động kiểm soát chất lượng, khắc phục tình trạng gian lận thương mại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu điều Bình Phước trên thị trường trong nước và quốc tế. Phát triển ngành điều bền vững trên cơ sở phát huy đầy đủ hiệu quả mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất - thu mua - chế biến và tiêu thụ. Phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ điều, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là các thị trường xuất khẩu.

Với khát vọng đưa hạt điều được chế biến sâu ra thị trường thế giới, đem về giá trị kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD/năm, Bình Phước đang xây dựng thương hiệu riêng, trong đó tập trung nâng cao giá trị gia tăng của các chuỗi sản phẩm thông qua chế biến sâu, sản xuất hàng hóa và xây dựng các cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp và người trồng điều thắt chặt quan hệ bền vững hơn.

Xác định, chế biến sâu giúp nâng tầm giá trị hạt điều Bình Phước cũng như ngành điều của tỉnh. Hiện, toàn tỉnh có 1.416 cơ sở chế biến hạt điều trong tổng 3.000 cơ sở chế biến điều toàn quốc; 140 DN vừa và nhỏ, hơn 1.200 DN siêu nhỏ. Bình Phước cũng đã thành lập hơn 40 tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất điều với hơn 500 hội viên. Toàn tỉnh có 15 sản phẩm từ hạt điều: Điều nhân, điều mật ong, điều rang tỏi, điều rang muối, điều wassabi, điều phô mai, điều tỏi ót, điều rang nước cốt dừa, điều rang mật ong và hả điều rang cay. 

Đặc biệt, có 9 doanh nghiệp là hội viên của Hiệp hội Điều Bình Phước được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, đây là công cụ hỗ trợ tích cực cho việc xây dựng và nâng cao giá trị thương hiệu hạt điều cũng như phát triển bền vững cây điều Bình Phước. Đồng thời, giúp doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hạt điều Bình Phước gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Phước Long