Nhiều mô hình, cách làm hay về phổ biến, giáo dục pháp luật được các sở, ban, ngành, địa phương triển khai hiệu quả như thông qua các hình thức biên soạn tài liệu, tổ chức hội nghị, tập huấn; qua các phiên tòa xét xử lưu động; phiên tòa giả định, thông qua cuộc họp cơ quan, tổ chức họp dân tại thôn, khu phố; cuộc thi tìm hiểu pháp luật; tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý; hoạt động hòa giải; hệ thống loa truyền thanh cơ sở... 

honquangr.jpg
Các buổi tuyên truyền luôn thu hút đông bà con đến tham dự.

Ban Dân tộc tỉnh, các đơn vị, sở, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Qua đó, từng bước giúp đồng bào dân tộc thiểu số hiểu, nắm bắt kịp thời các chính sách, quy định mới của pháp luật, nâng cao chuẩn tiếp cận pháp luật.

Điển hình như thị xã Chơn Thành - nơi có 15 dân tộc anh em sinh sống, đa phần đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí chưa cao, cơ sở hạ tầng để tiếp cận thông tin còn hạn chế. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số là yêu cầu cần thiết trong quá trình xây dựng, phát triển môi trường văn hóa, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững hiện nay.

Các buổi tuyên truyền tại thị xã luôn thu hút đông bà con đến tham dự. Các báo cáo viên pháp luật của thị xã thường xuyên phổ biến nội dung các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, văn bản chính sách có liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, phát triển giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp. Phổ biến nội dung Luật Hộ tịch, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em… 

Bên cạnh đó, vận động đồng bào dân tộc thiểu số cố gắng tăng gia sản xuất, phát triến kinh tế gia đình, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; Cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, dân chủ, nhân quyền, truyền đạo trái pháp luật để chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Hay tại huyện Hớn Quản, tháng 6/2023, UBND huyện Hớn Quản phối hợp với Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện tổ chức Hội nghị Phổ biến giáo dục, pháp luật và tuyên truyền tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023.

Hội nghị có sự tham gia của gần 300 đại biểu đến từ 13 xã, thị trấn của huyện là các trưởng ấp, Ban công tác Mặt trận, thanh thiếu niên là đồng bào dân tộc thiểu số, các già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ cốt cán, cán bộ phụ trách công tác dân tộc - tôn giáo, cán bộ giảm nghèo cấp xã, thị trấn.

image-20230621151817-1-1.jpeg
Thường xuyên tuyên truyền giúp đồng bào hiểu về quyền, lợi ích hợp pháp của mình. 

Báo cáo viên Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện và các báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh tuyên truyền về công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số bảo tồn, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giữ gìn di sản văn hóa truyền thống, xóa bỏ những hủ tục; cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình” lợi dụng vấn đề dân tộc, dân chủ, nhân quyền truyền đạo trái pháp luật đế chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực phản động; nâng cao nhận thức chủ quyền, an ninh biên giới....

Thông qua hội nghị nhằm cung cấp thông tin tuyên truyền về pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, hình thành nếp sống và làm việc theo pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó giúp đồng bào, nhân dân nắm được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sáng 08/11/2023, Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước phối hợp với UBND thị xã Bình Long tổ chức Hội nghị Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các già làng, người có uy tín, trưởng ấp và 130 người đồng bào dân tộc thiểu số, đại diện 03 ấp Sóc Bế, Sóc Bưng và Phú Thành trên địa bàn xã Thanh Phú.

Hội nghị tập trung tuyên truyền 04 chuyên đề về ma túy, tín dụng đen, phòng chống tội phạm mua bán người và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nội dung tuyên truyền sát với thực tế, hình thức phổ biến gần gũi với người dân đã góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật tại các địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần ổn định tình tình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển - kinh tế xã hội tại địa phương.

Gần đây nhất, ngày 14/11, UBND thị xã Bình Long tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức kỹ năng truyền thông vận động tư vấn pháp luật liên quan về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã Bình Long năm 2023. 

Ngoài việc trực tiếp tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý tại các ấp, khu dân cư; các đơn vị, cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh Bình Phước còn triển khai nhiều hoạt động khác như: phát triển mạng lưới trợ giúp pháp lý miễn phí rộng khắp từ tỉnh đến các huyện; thành lập các câu lạc bộ pháp luật; xây dựng mô hình bảo vệ an ninh Tổ quốc, tủ sách pháp luật...

Qua các hội nghị tuyên truyền, người dân biết thêm nhiều kênh thông tin để tìm hiểu pháp luật và nhiều địa chỉ đáng tin cậy để được tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý.

Vũ Huệ và nhóm PV, BTV