Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước, 9 tháng đầu năm 2021, tổng đàn lợn trong tỉnh gần 2 triệu con, 92% được nuôi trong 349 trang trại. Chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ chỉ khoảng 157 ngàn con. Số lợn thành phẩm của các nông hộ xuất chuồng chủ yếu phục vụ nhu cầu thị trường trong tỉnh.

Thời điểm này, dịch bệnh động vật diễn biến phức tạp, thời tiết bất thường và bước vào cao điểm chuẩn bị dịp cuối năm, người chăn nuôi ở Bình Phước đang tái đàn, tăng đàn. Vì vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh càng được tăng cường.

{keywords}
Bình Phước ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh gia súc. 

Ngày 18/10, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố (UBND cấp huyện) tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

UBND cấp huyện chủ động bố trí các nguồn lực để tổ chức có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật đã được UBND tỉnh phê duyệt, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND cấp xã khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi, bảo đảm tối thiếu trên 80% tổng đàn.

Tập trung thực hiện Tháng tổng vệ sinh, sát trùng từ ngày 25/10 - 25/11/2021 để tiêu diệt các loại mầm bệnh ở môi trường, nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật, địa phương thường xuyên xảy ra dịch bệnh. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đăng ký hóa chất thực hiện Tháng vệ sinh, sát trùng về Chi cục Chăn nuôi và Thú y để được cấp phát.

Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Hàng ngày vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao. Có biện pháp ngăn chặn các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài này.

Tăng cường công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã; đặc biệt chú trọng khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng chống dịch bệnh, báo cáo số liệu dịch bệnh theo đúng quy định. Tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cung ứng, buôn bán các loại vắc xin không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật hiện hành. Xử lý nghiêm các trường hợp cản trở, lợi dụng tình hình dịch bệnh, tích trữ hàng gây khó khăn cho người chăn nuôi trong việc tiếp cận, mua vắc xin để tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

Thành lập và chỉ đạo đội kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm trên địa bàn. Đối với các huyện biên giới tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới.

Ông Nguyễn Tiến Mạn (Thị trấn Thanh Bình, Bù Đốp) chia sẻ, mặc dù đã có kinh nghiệm nuôi lợn và bò nhiều năm nhưng ông không dám chủ quan trong công tác ngăn ngừa dịch bệnh. Hàng ngày ông dọn dẹp chuồng nuôi, rắc vôi bột khử khuẩn. Định kỳ 1 tuần 1 lần phun thuốc khử khuẩn, tẩy uế, khơi thông cống rãnh và đườnh nước thải. Ngoài ra, ông thường xuyên hun bồ kết, rắc vôi bột, hạn chế tối đa người lạ ra, vào khu chăn nuôi để ngăn chặn triệt để mầm bệnh phát tác.

Gần đây, ông còn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách làm nền sinh học khử mùi với trấu, mùn cưa và chế phẩm vi sinh. Lớp đệm này khử mùi rất hiệu quả, bước vào chuồng không còn mùi hôi, khai. Đến nay, đàn lợn nhà ông rất khỏe mạnh, hứa hẹn đạt trọng lượng tốt khi xuất chuồng. 

Hữu Duyên