Theo Trung tâm Y tế thị xã La Gi (Bình Thuận), địa phương này có 71 trẻ từ 5 - 16 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, vừa mới thoát nghèo bị suy dinh dưỡng chiều cao. Trong đó, những xã có số trẻ suy dinh dưỡng chiều cao với tỷ lệ cao là xã Tân Hải (16 trẻ), xã Tân Tiến (15 trẻ).

Sinh đông con (hầu như mỗi nhà đều có từ 3-4 đứa con), các cháu tuổi khá gần nhau, vì thế áp lực tài chính khiến các gia đình khó khăn trong việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho từng trẻ. Thiếu kinh tế do công việc bấp bênh, thời gian chăm sóc con cái không nhiều, cha mẹ thiếu kiến thức về dinh dưỡng cũng là nguyên nhân quan trọng góp phần vào tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ do không cung cấp đủ các vi chất cần thiết như vitamin A, sắt và kẽm.

Trẻ em bị suy dinh dưỡng chịu ảnh hưởng trực tiếp về thể chất, gặp nhiều khó khăn trong học tập, sinh hoạt, sự phát triển chung. Chăm lo chiều thiếu hụt về dinh dưỡng, y tế, giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng chiều cao ở trẻ em, UBND thị xã La Gi ban hành và triển khai kế hoạch cải thiện dinh dưỡng năm 2024 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

W-giam ngheo di hoc mien nui.jpg
Nhiều địa phương quyết tâm cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Theo đó, thị xã bổ sung vitamin A, sắt, kẽm cho trẻ em bị suy dinh dưỡng chiều cao, theo phác đồ bổ sung 1 liều mỗi ngày (60-90 liều/trẻ) trong 2 đợt mỗi năm. Mỗi đợt cách nhau ít nhất 3 tháng. Điều này sẽ giúp cải thiện tình trạng thiếu hụt vi chất và hỗ trợ sự phát triển chiều cao của trẻ. Trẻ cũng được cân đo lồng ghép với chương trình uống vitamin A, tẩy giun định kỳ nhằm đảm bảo trẻ nhận được sự chăm sóc toàn diện; theo dõi thường xuyên các chỉ số này giúp phát hiện sớm tình trạng suy dinh dưỡng.

Tại huyện Hàm Thuận Nam, hiện có 111 trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cân nặng, chiếm tỷ lệ 26,6% và 117 trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi, chiếm tỷ lệ 28,05%. Với nhóm trẻ từ 5 đến 16 tuổi, tỷ lệ suy dinh dưỡng là 20%. Đặc biệt, xã Hàm Cần, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, ghi nhận tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao nhất huyện với 93 trẻ bị suy dinh dưỡng cân nặng và 98 trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi.

Quyết tâm cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, năm 2024, huyện Hàm Thuận Nam phân bổ hàng trăm triệu đồng từ nguồn vốn tiểu dự án 2 của Dự án 3 Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững về hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng.

Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Nam đã mua vi chất dinh dưỡng để bổ sung cho trẻ. Bên cạnh đó, chương trình cũng chú trọng đến việc phát hiện và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em ngay tại cộng đồng.

Truyền thông, giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc chăm lo cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em thuộc gia đình nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Trung tâm Y tế thị xã La Gi tăng cường tuyên truyền, giáo dục về dinh dưỡng hợp lý cho các bậc phụ huynh, giúp các gia đình có thể chế biến thực phẩm giàu dinh dưỡng với chi phí hợp lý. Năm 2024, trẻ suy dinh dưỡng chiều cao thuộc các hộ nghèo, cận nghèo, vừa mới thoát nghèo đều được nhận bổ sung vi chất.

Từ khi triển khai dự án “Cải thiện dinh dưỡng” thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, việc truyền thông được triển khai thành kế hoạch riêng bên cạnh việc truyền thông thường xuyên, lồng ghép. Từ đầu năm 2024, trung tâm xây dựng kế hoạch truyền thông, tư vấn cho các đối tượng gồm bà mẹ có con dưới 2 tuổi, trẻ từ 6 - 16 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo do cán bộ, nhân viên y tế của Phòng khám đa khoa khu vực Tân Hải và trạm y tế các xã, phường tư vấn.

Phước Hội là phường nhộn nhịp của thị xã La Gi. Dù vẫn còn hộ nghèo nhưng đến thời điểm này phường không có trẻ dưới 16 tuổi bị suy dinh dưỡng. Lãnh đạo Trạm Y tế phường Phước Hội cho biết một phần nhờ chính sách cho người nghèo, phường rất chú trọng. Hơn nữa, các bà mẹ có con dưới 2 tuổi, các bé dưới 16 tuổi ở các gia đình nghèo, cận nghèo này ít nhiều cũng đã có kiến thức về dinh dưỡng nên đến giờ đã cải thiện tốt sức khỏe, tầm vóc.

Để tư vấn về dinh dưỡng, Trạm Y tế phường tìm hiểu nguyên nhân gây suy dinh dưỡng, hoàn cảnh từng gia đình để có cách vận động trực tiếp/gián tiếp, với cách truyền đạt dễ hiểu nhất để các bậc cha mẹ, người lớn, trẻ em biết cách cho con ăn uống hàng ngày bảo đảm đủ 4 nhóm chất, những loại thực phẩm lành mạnh, cách tập thể dục…

Tại huyện Hàm Thuận Nam, từ nguồn vốn Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, mới đây, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Bình Thuận kết hợp với Trung tâm Y tế huyện tổ chức tập huấn cải thiện dinh dưỡng.

Tham gia lớp tập huấn có gần 50 học viên là cán bộ lãnh đạo và cán bộ y tế các trường bậc mầm non, tiểu học, THCS tại 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Các học viên được lãnh đạo khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng CDC Bình Thuận giới thiệu tổng quan về nuôi dưỡng trẻ nhỏ; thực trạng dinh dưỡng học đường và chương trình dinh dưỡng học đường; phương pháp đánh giá tình trạng dinh dưỡng đối với trẻ em từ 0-16 tuổi; Quy trình kỹ thuật cân đo nhân trắc..

Nội dung Kế hoạch “Cải thiện dinh dưỡng” năm 2024, cách đánh giá các chỉ tiêu về tình trạng dinh dưỡng theo Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 cũng được giới thiệu tại khoá tập huấn… Lớp tập huấn đã trang bị nhiều kiến thức cho các học viên, qua đó thực hiện tốt chương trình cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng và tầm vóc trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện.