Bình Thuận có đường bờ biển dài 192km, có ngư trường rộng 52.000km2. Bình Thuận còn nổi tiếng với đảo Phú Quý được mệnh danh là thiên đường du lịch đảo cho những người đam mê biển đảo.

Tại Bình Thuận, nghề khai thác thủy sản biển đã phát triển từ rất lâu như La Gi, Tuy Phong, Phan Thiết. Từ lâu, Bình Thuận đã xác định phát triển kinh tế biển làm trọng tâm. Theo đó, tỉnh phát triển bền vững kinh tế biển. Du lịch biển Bình Thuận với doanh thu tăng trưởng đều hằng năm.

Hiện nay, tỉnh đã đầu tư đẩy mạnh thực hiện quy hoạch khu du lịch quốc gia Mũi Né. Đầu tư cơ sở hạ tầng đường sá, điện nước, thông tin liên lạc để phát triển kinh tế qua du lịch.

Ngoài ra, khai thác thủy sản tại Bình Thuận giữ vai trò quan trọng, đóng góp không nhỏ cho sự tăng trưởng, cung cấp nguồn thực phẩm cho tiêu dùng và nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Để phát triển kinh tế thủy sản, tỉnh đã chú trọng phát huy năng lực khai thác hải sản với việc đầu tư tàu thuyền công suất lớn, khai thác xa bờ.  Các ngành công nghiệp, dịch vụ khu vực biển, đảo từng bước được đầu tư, khai thác có hiệu quả.

Tuy nhiên, Bình Thuận cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị tại các địa phương có biển còn chậm. Tình trạng sạt lở bờ biển ở một số khu du lịch, khu dân cư ven biển xảy ra gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bình Thuận cũng chậm ban hành các kế hoạch ứng phó với nước biển dâng, các văn bản triển khai Luật môi trường… nên việc quy hoạch chậm.

Binh Thuan .jpg
Bình Thuận phát triển và sử dụng tài nguyên biển theo hướng bền vững.

Bình Thuận xác định tài nguyên, môi trường biển là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế của tỉnh và phải được khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững. Từ năm 2023, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Qua đó, Bình Thuận đề ra mục tiêu khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo bao gồm sinh vật và tài nguyên phi sinh vật thuộc khối nước biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, vùng đất ven biển và đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm.  Tỉnh tập trung các giải pháp khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo về lợi ích khai thác, sử dụng tài nguyên giữa các sở, ngành, các doanh nghiệp và nhà nước. Từ đó, khai thác tài nguyên biển được bảo đảm hài hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Từ nay tới năm 2030, Bình Thuận tập trung phát triển các khu công nghiệp như  Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, khu kinh tế ven biển và các đảo với các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ nền tảng, công nghệ nguồn. Phát triển năng lượng tái tạo điện gió trên biển, kết hợp điện gió với điện phân nước biển để sản xuất khí hydro, khai thác năng lượng từ sóng biển và các ngành kinh tế biển mới thân thiện môi trường.

Hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống cảng, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đê kè chắn sóng, chống xói lở bờ biển, nâng cấp hạ tầng cảng cá bảo đảm đủ công suất cho tàu cá thực hiện cập cảng, neo đậu.

Để bảo tồn đa dạng sinh học biển, Bình Thuận yêu cầu các ngành liên quan tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về phát triển bền vững, ngăn chặn hiệu quả khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định. 

Từ nay tới năm 2030, Bình Thuận sẽ có 80% các khu vực biển có đa dạng sinh học cao. Tăng cường trồng rừng ở các vùng ven biển, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt mức an toàn sinh thái bảo đảm đa dạng sinh học rừng ven biển và các đụn cát tự nhiên. 

Thực hiện điều tra, lập danh mục phân loại hải đảo như Hòn Cau, Hòn Nghề, Hòn Lao, Hải đăng – Kê Gà, Hòn Bà, cụm đảo Phú Quý… kết hợp với xây dựng và số hoá hồ sơ tài nguyên hải đảo.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận phối hợp với Sở Thông tin & truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển. Người dân cần nhận thức được việc khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý nguồn tài nguyên biển, bảo vệ hệ sinh thái biển và đa dạng sinh học.

Thu Hằng và nhóm PV, BTV