Năm 2020, Bitcoin đã trải qua nhiều biến động, để rồi kết thúc bằng đà tăng trưởng kỷ lục, khiến nhà đầu tư trên toàn thế giới "điên đảo".
Đầu tháng này, giá Bitcoin tiếp tục tăng vọt qua mốc 50.000 USD, đánh dấu mức cao nhất 58.000 USD vào hôm 21/2. Đà tăng giá này khiến cho số lượng triệu phú bitcoin lần đầu tiên cán mốc 100.000 người vào tuần trước, theo bitinfocharts.
Trong khi nhiều người đổ xô đi mua Bitcoin, đào Bitcoin,.. thì nhiều chuyên gia nhận định vẫn còn quá sớm để kết luận rằng Bitcoin là một nơi trú ẩn an toàn, trong bối cảnh thị trường tiền ảo vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và có biến động giá lớn.
Trong bài viết này, mời bạn đọc cùng tìm hiểu những sự thật thú vị, nhưng cũng đầy bất ngờ về đồng tiền ảo Bitcoin mà không phải ai cũng biết.
1. Ai tạo ra Bitcoin?
Người sáng lập Bitcoin cho tới ngày nay vẫn hoàn toàn là một ẩn số. Mặc dù nhiều nguồn tin nhắc đến Satoshi Nakamoto như người đầu tiên đặt ra khái niệm Bitcoin và tiền ảo, nhưng Satoshi là ai thì không một ai hay biết.
Năm 2014, phóng viên tờ Newsweek thực hiện một cuộc truy tìm danh tính người sáng lập ra Bitcoin. Cuối cùng, một người đàn ông châu Á với mái tóc bạc có tên Dorian S.Nakamoto lọt vào diện tình nghi. Ông Nakamoto có nhiều năm làm việc như kỹ sư, và có đời tư khá khép kín.
Tuy nhiên, người đàn ông khi đó đã 70 tuổi này thừa nhận với một vài phóng viên rằng chỉ mới nghe tới Bitcoin vài tuần trước. Ông cũng khẳng định không phải người sáng lập, cũng không quản lý, không tham gia vào thị trường tiền ảo.
Ngoài ra, cũng có tài liệu chỉ ra rằng Bitcoin có thể do một tội phạm người Zimbabwe có tên là Paul Le Roux tạo nên.
Tuy nhiên, bấy nhiêu vẫn chỉ là những giả thuyết được đặt ra với một chút logic và lập luận. Việc minh chứng xem ai là người sáng lập ra Bitcoin hay không vẫn chưa thể được làm rõ do thiếu đi những bằng chứng cụ thể, hay lời thú nhận từ một nhân chứng sống nào đó.
2. Giao dịch đầu tiên dùng Bitcoin
Bản ghi đầu tiên của một giao dịch bằng Bitcoin đó là khi Satoshi gửi cho Hal Finney - một thành viên "đời đầu", số tiền ảo mệnh giá 100 BTC.
Trong khi đó, giao dịch bằng Bitcoin đổi lấy hàng hóa được thực hiện lần đầu tiên vào năm 2010, khi hai bên mua - bán gặp nhau trực tiếp và đạt được thỏa thuận giao dịch.
Giao dịch nói trên bao gồm việc mua 2 chiếc bánh pizza với giá trị tổng cộng 10.000 BTC. Nếu quy đổi theo mệnh giá Bitcoin ngày nay, 2 chiếc pizza được nhắc đến sẽ có giá trị tương đương 460 triệu đô la Mỹ.
3. Đặc trưng kỳ lạ của Bitcoin
Bitcoin và các đồng tiền ảo khác không thể được thay đổi hoặc thao túng bởi một tổ chức hợp pháp nào, ngay cả khi đó là chính phủ. Cũng không có ai nắm được đà tăng hay giảm của Bitcoin.
Bitcoin được chứa trong một thứ gọi là "ví tiền ảo", nơi mà tất cả tài sản của người chơi sẽ được lưu trữ an toàn dưới dạng số hóa.
Khối chuỗi (blockchain) là công nghệ đứng sau Bitcoin, cho phép nó ghi lại toàn bộ các giao dịch và thanh toán bằng đồng tiền ảo này.
Rất cả giao dịch Bitcoin và dòng tiền của nó đều có thể được truy cập và nhìn thấy bởi những người tham gia. Tuy nhiên danh tính của của người chơi lại được giữ kín hoàn toàn.
4. Chính phủ từng nắm giữ rất nhiều bitcoin
Đã có thời điểm Chính phủ Mỹ là một trong những nơi nắm giữ nhiều bitcoin nhất. Vào năm 2013, sau khi FBI đóng cửa Silk Road (Con đường tơ lụa) - một web đen mà mọi người có thể mua ma túy và các hàng hóa, dịch vụ bất hợp pháp, Chính phủ Mỹ tiếp quản các ví bitcoin mà website này quản lý, một trong số đó nắm giữ khoảng 144.000 đơn vị bitcoin. Sau đó số bitcoin này đã được đem đi bán đấu giá và hiện vẫn có các đợt đấu giá số bitcoin bị tịch thu từ các hoạt động trái pháp luật.
5. Linh vật quái dị
Linh vật không chính thức của Bitcoin là một con lửng mật màu cam. Từ đó, người ta chẳng thể đoán được nguồn gốc, xuất xứ của Bitcoin là tại quốc gia nào.
6. Từng được nhiều quốc gia coi như đồng tiền hợp pháp
Trước đây, nhiều doanh nghiệp lớn đã chấp nhận thanh toán bằng đồng tiền ảo này bao gồm Overstock.com, Expedia, Newegg và Dish.
Trong đó, Peach Aviation trở thành hãng hàng không đầu tiên ở Nhật Bản chấp nhận thanh toán tiền vé máy bay bằng đồng Bitcoin trong bối cảnh hãng hàng không giá rẻ này đang cố gắng thu hút các khách hàng châu Á.
Còn trường đại học đầu tiên chấp nhận Bitcoin như một đơn vị thanh toán là trường Nicosia, thuộc nước Cộng hòa Síp.
Bitcoin từng không bị đánh thuế ở Thụy Sĩ, nhưng đa phần được coi là đồng tiền bất hợp pháp tại nhiều quốc gia, như Mông Cổ, Ả Rập Saudi, Băng-la-đét, Nepal, Ma-rốc, Ecuador. Tại Việt Nam, khai thác và giao dịch Bitcoin cũng được xem là không nằm trong pháp luật.
7. Nhiều quan niệm trái chiều về Bitcoin
Warren Buffett, nhà đầu tư nổi tiếng nhất thế giới, không hề hứng thú với Bitcoin. Một trong những lần hiếm hoi nhất ông nói về đồng tiền ảo này: "Hãy tránh xa nó ra, nó là một loại ảo ảnh. Ý tưởng về việc nắm giữ một khoản tiền ảo rất lớn đối với tôi chỉ là trò đùa".
Bill Gates, nhà đồng sáng lập Microsoft cũng nhiều lần bày tỏ rằng ông không lạc quan về Bitcoin, đồng thời cảnh báo người đầu tư vào tiền ảo này nên cân nhắc kỹ. "Elon (Elon Musk - CEO Tesla) có rất nhiều tiền và anh ấy cũng rất sành sỏi", Bill Gates nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg. "Nếu bạn có ít tiền hơn Elon, bạn nên đề phòng".
Trong khi đó, Elon Musk lại đặc biệt tỏ ra thích thú với đồng tiền ảo này. Công ty Tesla của tỷ phú người Mỹ vừa mua 1,5 tỷ USD Bitcoin, đồng thời tuyên bố sẽ chấp nhận thanh toán tiền mua xe của khách hàng bằng Bitcoin.
Trước đó, vào năm 2017, tổ chức tài chính Fidelity Investments cũng công khai cho phép các khách hàng sử dụng trang web của Fidelity để theo dõi việc nắm giữ bitcoin của mình thông qua nhà cung cấp ví điện tử Coinbase.
Tỷ phú - nhà đầu tư Mark Cuban thì từng nói rằng giá trị của Bitcoin đang bị thổi phồng, và biến động quá nhanh. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng: "Miễn là mọi người chấp nhận Bitcoin như một phiên bản kỹ thuật số của vàng, thì nó vẫn có thể đầu tư được".
Thực tế cho thấy bất chấp những bí ẩn và các hoạt động tội phạm đằng sau Bitcoin, nó vẫn được nhiều người xem như một hệ thống giao dịch tiền điện tử tiên tiến, ổn định, và định hình cho các xu thế trong tương lai.
(Theo Dân Trí)