Năm 2010, anh Ngọc vác túi tiền 1 tỷ đồng để đi mua đất ở khu vực Thường Tín theo trào lưu lúc bấy giờ với giá 12 triệu đồng/mét vuông. Và sau 8 năm, anh phải bán đi cắt lỗ để trả tiền vay nợ lãi khi mua ngôi nhà mới cách đây 3 năm.
Dưới đây là câu chuyện của anh Trần Văn Ngọc ở Hà Đông (Hà Nội), anh gần như trắng tay sau khi ôm tiền tỷ đi mua mảnh đất cách đây 10 năm.
Tôi quê Hà Nam, làm nghề sửa chữa điện máy ở Hà Nội, năm nay đã ngoài 40 tuổi. Cách đây đúng 8 năm (năm 2010), bố mẹ tôi có bán mảnh vườn cạnh đường lớn ở quê được hơn 600 triệu đồng. Tôi cầm hết cả số tiền đó, cộng với khoản tiền tích cóp được sau hơn chục năm bươn chải ở Hà Nội, đi tìm mua đất.
Lúc đó, đất không sốt giá, nhưng không hiểu sao lại rộ trào lưu đi mua đất nền ở các huyện ngoại thành của Hà Nội. Tôi thấy nhiều người đổ đi tìm mua đất nên cũng hùa theo vì nghĩ mua lấy một miếng đất để đó, sau nếu tiện thì làm nhà đón vợ con ở quê lên, vừa tiện cho các con ăn học, tôi cũng thoát khỏi cảnh ở nhà thuê. Nếu không xây nhà thì để đó, sau bán đi cũng thu được một món lợi lớn.
Nghĩ vậy, tôi mất mấy ngày liền đi lùng mua đất ở các huyện ngoại thành Hà Nội. Cuối cùng, tôi chốt mua 2 lô đất liền nhau, rộng 80 mét vuông, giá 12 triệu đồng/mét, cách nội thành khoảng 25km. Lúc mua, đấy vẫn là khu đất trống rộng mênh mông, ô tô cũng vào được nhưng ba bên bốn bề chưa có ai ở. Dân chủ yếu dùng đất vườn để trồng chuối.
Anh Ngọc ôm tiền đi mua đất theo trào lưu, sau 8 năm bán đi lỗ nặng (ảnh minh họa) |
Giấy tờ mua bán xong xuôi, tôi hí hửng, vui mừng ra mặt vì cuối cùng đã sở hữu được một mảnh đất khá rộng ở Hà Nội, đất đai lại có sổ đỏ rõ ràng chứ không phải giấy mua bán viết tay như những mảnh đất khác.
Thế nhưng, 4 năm sau đó, tôi bắt đầu thấy oải vì khu đó vẫn là đồng quê, không có sự phát triển gì. Xung quanh vẫn là đất trống, không nhà không cửa. Trong khi, tôi có kế hoạch đưa vợ con lên Hà Nội ở để các con tiện học hành. Nhưng, nếu xây nhà ở đó thì quá xa trung tâm, lại không có hàng xóm láng giềng, cũng không thuận tiện cho công việc sửa chữa buôn bán của tôi (trước tôi có thuê một cửa hàng nhỏ ở khu vực Thanh Xuân sửa chữa điện máy, điện lạnh).
Vợ chồng tôi bàn bạc, thôi bán quách mảnh đất đó đi để lấy tiền mua một miếng gần trung tâm, nhỏ cũng được nhưng thuận tiện cho con cái đi học, cũng là để tôi mở cửa hàng, đỡ phải đi thuê như trước. Song, rao bán cả một năm trời mà không bán nổi. Khách mua trả giá quá rẻ, mà họ cũng không thiện chí mua cho lắm.
Không bán được đất để rút tiền về, năm 2015, vợ chồng tôi đành rút hết khoản tiền tiết kiệm 600 triệu đồng mà tôi để dành được trong 5 năm (từ 2010-2015) vay thêm họ hàng 300 triệu (quy ra vàng không phải chịu lãi, lúc trả cũng trả bằng vàng) để mua mảnh đất tại Hà Đông. Chỗ này cũng cách trung tâm Hà Nội 20km (tính đến Khuất Duy Tiến) nhưng là khu đông người, tiện cho sinh sống và công việc của cả tôi và vợ (vợ tôi làm thợ may). Cuối năm 2016, tôi quyết định vay thêm 500 triệu đồng nữa để xây nhà, đón vợ con lên ở.
Khi căn nhà 2 tầng hoàn thiện, tôi ngồi nhẩm tính cả tiền mua đất và xây nhà hết 1,4 tỷ đồng, nội thất trong nhà mới sắm được những món cơ bản, khoản nợ phải gánh là 800 triệu đồng (trong đó có 500 triệu là vay lãi 10%/năm, còn 300 triệu tôi vay bằng vàng nên không lo gánh lãi hàng tháng). Nhưng, nhờ đó vợ chồng tôi cũng có chỗ ở tử tế, tầng 1 tôi làm nơi chứa đồ và mở cửa hàng sửa chữa điện máy.
Từ năm 2017 đến giờ, vợ chồng tôi làm việc điên cuồng để trả nợ. Nhưng năm 2017, tôi phải gánh khoản lãi 50 triệu đồng nên số tiền dư để trả gốc chỉ được 100 triệu, còn lại vợ chồng tôi vẫn nợ 400 triệu và tiếp tục chịu lãi suất khoản tiền đó.
Như vậy, với khoản tiền phải gánh lãi còn nợ, vợ chồng tôi phải mất ít nhất 4 năm nữa mới trả hết nếu công việc thuận buồm xuôi gió. Đó là chưa kể khoản tiền 300 triệu nợ được quy ra vàng, rồi con cái lớn học hành cũng tốn kém hơn.
Nhiều khi tôi và vợ tôi suy nghĩ mất ăn mất ngủ vì nợ. Trong khi, mảnh đất giá 1 tỷ vẫn nằm chết dí không bán được.
Đầu năm 2018, để giảm bớt gánh nặng nợ nần, tôi quyết định bán mảnh đất dưới Thường Tín với giá chỉ 8 triệu đồng/m2, thu về 640 triệu. Đem số tiền đó trả nợ, tôi chỉ còn nợ đúng 60 triệu đồng.
Thế là sau khi ôm cả tỷ đồng đi mua đất, gần chục năm sau tôi phải cay đắng bán đi, lỗ mất 360 triệu đồng. Cảm thấy mình gần như mất trắng cả tỷ, bởi, nếu tôi không mua đất, đem tiền đó gửi ngân hàng lấy lãi thì sau 8 năm tôi cũng có gần nửa tỷ tiền lãi - dư tiền mua đất nhà hiện tại.
Tôi rút ra bài học thấm thía: khi mua đất cần tính toán, xem xét xem vị trí, địa thế, khả năng phát triển của khu đất đó như thế nào. Không nên thấy rẻ mua ào ào rồi cả chục năm sau, đất không những không tăng mà còn mất giá đi.
Tâm An (ghi)
Mảnh đất vàng Hà Nội: Đại gia tranh phần, đắt mấy cũng mua
Cuộc chiến thống trị khách sạn có khu đất vàng hàng đầu Việt Nam chưa tới hồi kết với 3 nhà đầu tư tính bỏ thêm hàng trăm tỷ đồng để mua cổ phần trong phiên đấu giá thoái vốn.
Sốt đất, tăng giá gấp 5 lần: Bùng nổ ở Hòa Lạc
Từ đầu 2017, đất Hòa Lạc đã bắt đầu tăng, giới đầu cơ bất động sản săn lùng gom đất chờ quy hoạch. Cũng chính vì thế mà cò đất đua nhau thao túng, làm giá thị trường.
Đất Hà Đông cả một vùng lên cơn sốt: Đổ tiền tỷ gom vội
Từ Thanh Hà, nhiều khu vực như Phú Lương, Văn Phú hay Vạn Phúc, giá đất cũng tăng kể từ thời điểm Tết Nguyên đán. Nhà đầu tư săn lùng những lô đất vị trí đẹp nhằm mục đích kiếm lời.
Sốt đất Phú Quốc: Tăng 20 lần, đâu là giá trị thực?
Đã tới lúc, nhà đầu tư cần nhìn nhận đánh giá lại để không phải chịu những hậu quả nặng nề như những cơn sốt đất vừa qua.
Huyện Nhà Bè nói về khu đất Phước Kiển bán cho Quốc Cường Gia Lai
Theo UBND huyện Nhà Bè, dự án này đang được bồi thường dang dở, da beo, không liền ranh, liền thửa. Dự án cũng chưa được giao đất và chưa chính thức có chủ đầu tư.
Nhà Cường đô-la mua hàng chục ha đất công giá 'bèo' trong... 7 ngày
Tự ý bán đất công sản không thông qua ban Thường vụ Thành ủy, công ty Tân Thuận có dấu hiệu làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.