Đều đã và sẽ chọn con đường du học để đong đầy “sàng khôn” và được là chính mình hơn khi tự bước đi trên đôi chân của mình, ba gương mặt 9X: Tài năng trẻ piano Nguyễn Đăng Quang (con trai thứ của nhạc sĩ Quốc Trung và ca sĩ Thanh Lam), Anna Trương (con gái lớn của nhạc sĩ Anh Quân và ca sĩ Mỹ Linh) và đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh - người từng ôm "tham vọng" mang nhạc kịch Broadway về VN.... ít nhiều đang là những niềm hy vọng trẻ của showbiz Việt.

Anna Trương: Đã là lúc bước đi trên đôi chân của mình

{keywords}

“Nhiều ngườỉ nghĩ, lựa chọn đó của em là để cố thoát ra khỏi cái bóng của mẹ (ca sĩ Mỹ Linh), nhưng thực ra em chưa bao giờ ước mơ trở thành ca sĩ. Em rất ngại phải trang hoàng lộng lẫy để xuất hiện trước đám đông, nếu không muốn nói là còn không mảy may thèm muốn. Khi bỏ lại tất cả để sang bên này học, em thấy mình được là chính mình hơn. Em cảm thấy mình trưởng thành hơn lên rất nhiều về tư duy âm nhạc. Tại đây, em được học những thầy cô rất giỏi, từng là người đứng sau thành công của những ca sĩ, danh ca hàng đầu thế giới như Taylor Swift, Beyonce... 

Em phải học rất nhiều cho một khâu rất nhỏ để sản xuất âm nhạc. Để sản xuất ra một ca khúc cho ca sĩ, chưa nói đến album hay chương trình kiểu concert như hiện nay, ở bên này họ phải chuẩn bị rất lâu, phải mất rất nhiều công sức – điều em thấy ở trong nước còn thiếu sự kỹ tính, bài bản…” - Anna kể.Quyết tâm theo đuổi nghề của bố (nhạc sĩ Anh Quân), AnnaTrương hiện đang theo học khoa Music Production and Engineering (đào tạo về sản xuất âm nhạc), Trường Berklee College of Music - học viện âm nhạc hàng đầu nước Mỹ có đầu vào rắt khó với tỉ lệ được chọn là 35%. 

“Lúc đầu bố mẹ muốn em học về biểu diễn và sáng tác ca khúc (singer-songwriter), công việc được cho là phù hợp với con gái hơn - Anna cho biết - nhưng khi biết em có mong muốn trở thành một nhà sản xuất âm nhạc, như công việc bố đang làm, thì mẹ lại cũng rất ủng hộ và bố cũng không hề ngăn cản…

“Con chim ra ràng của những ngày mới rời tổ tập bay” thay vì rợn ngợp, hoang mang lại cảm thấy mình đang cảm thấy mình đang được sống những ngày hạnh phúc. Vì “được làm điều mình thích, được bước trên đôi chân của chính mình, được quyết định cuộc đời mình, tự suy nghĩ, tự làm hết mọi thứ...”, để một ngày nào đó, người ta sẽ gọi Anna Trương một cách độc lập, mà không phải chua theo dòng chú thích: “con gái nhà Anh Quân - Mỹ Linh” - như một đường dẫn đưa cô vào nghề...

“Bỏ lại tất cả để sang bên này học, em thấy mình được là chính mình hơn. Em cảm thấy mình trưởng thành hơn lên rất nhiểu vể tư duy âm nhạc".

Tài năng trẻ piano Nguyễn Đăng Quang: Hào quang không phải là thứ để đong đếm

{keywords}

Lựa chọn một con đường khác hẳn bố mẹ (nhạc cổ điển thay vì nhạc nhẹ), cậu con trai thứ của nhạc sĩ Quốc Trung và ca sĩ Thanh Lam là trường hợp “con nhà” hiếm hoi không gặp phải áp lực “thoát khỏi cái bóng quá lớn của bố mẹ”. Mặc dù vậy, bố mẹ em vẫn hạn chế hết sức việc đưa Quang lên báo để tránh cho em những áp lực không đáng có. Thế nên, không nhiều người biết những thành tích mà Quang đã đạt được kể từ khi em theo học khoa piano, Nhạc viện Hà Nội, dưới sự dìu dắt của NSND Trần Thu Hà (người bạn đời hiện tại của ông nội em - NSND Trung Kiên). Trong 3 năm gần như liên tiếp: 2011,2012, 2014, Đăng Quang đều giành giải Vàng Liên hoan âm nhạc piano quốc tế được tổ chức tại Hàn Quốc. Đặc biệt, năm 2012, Quang còn đồng thời đoạt giải Nhất cuộc thi piano Val Tildone tại Piacenza (Italia).

“Nhưng không phải là không có những thất bại. Nhiều là khác. Gần nhất là cuộc thi tại Nhật Bản năm 2014. Cuộc đó, em đã rất kỳ vọng với mong muốn làm giàu thêm bộ sưu tập giải thường để dễ bề xin học bổng du học hơn, sau khi tốt nghiệp trung cấp Nhạc viện vào năm tới. Nhưng khi vào cuộc, rất không may là em đã gặp phải khá nhiều trục trặc khách quan khiến tâm lý thi đấu không tốt. Phải nói là em đã rất sốc. Nhưng cuối cùng em cũng đứng dậy được nhờ những lời động viên của bố mẹ. Chưa bao giờ bố mẹ gây áp lực lên em vì hơn ai hết, bố mẹ luôn hiểu lao động nghệ thuật là nghiệt ngã thế nào. Ở thời điểm em chọn nghề, bố cũng từng nói cho em biết: So với nhạc nhẹ, nhạc cổ điển đòi hỏi sự khổ luyện vất vả hơn rất nhiều, trong khi đó, điều kiện làm nghề ở VN lại không có được sự tưởng thưởng tương xứng. Hào quang của nghệ sĩ nhạc cổ điển do đó không dễ gì “đong đếm” như hào quang của nghệ sĩ nhạc nhẹ... Nhưng đến giờ này, em vẫn tin là mình đã lựa chọn đúng” - tài năng trẻ piano chia sẻ.

Hơn cả những giải thưởng, kỷ niệm làm Quang nhớ nhất trong năm qua là lần đầu tiên được đứng trên sân khấu cùng cậu (nghệ sĩ Tri Minh) và mẹ, bên cạnh cây đàn piano, trong live show “Bản tình ca cha viết” tường nhớ ông ngoại em, cố nhạc sĩ ThuậnYến. “Đó là lần đầu tiên em chơi nhạc trong một không gian khác hẳn với những cuộc thi em từng tham dự, nên phải nói, em đã rất run và lo lắng” Quang nói. Vậy nhưng, hình ảnh mà khán giả được nhìn thấy trên sân khấu là một cậu bé mảnh khảnh, với phong cách hết sức điềm tĩnh, khoan thai, và phía bên kia cây dương cầm, là một Thanh Lam nồng nàn rực lửa. Có thể nói, đó là một trong những hình ảnh đẹp nhất trong đêm diễn...

Hào quang của nghệ sĩ nhạc cổ điển tuy không dễ "đong đếm" như hào quang của nghệ sĩ nhạc nhẹ, nhưng đến giờ này, em vẫn tin là mình đã lựa chọn đúng”

Đạo diễn 9X Nguyễn Phi Phi Anh: Mua vui cũng là một vinh hạnh

{keywords}

“Davines Hair Show", trong lần trở lại vào năm qua, thay vì chọn một cái tên “có số, có má”, đã đưa ra một lựa chọn khá bất ngờ: Nguyễn Phi Phi Anh - đạo diễn 9X, người trước đó từng được biết đến qua dự án kép: “Góc phố danh vọng” và “Giấc mộng đêm hè” (2013). Trong đó, “Góc phố danh vọng” từng được dàn dựng lần đầu vào năm 2012, là ấp ủ đầu tiên của cậu sinh viên đang theo học khoa Điện ảnh - Sân khấu, ĐH Hampshire (Mỹ) này, trong một giấc mơ hết sức táo bạo: mang “nhạc kịch Broaway” về VN trong điều kiện “tay không bắt giặc”. 

Vận động tài trợ không được bao nhiêu, Phi Anh đành vác tiền nhà ra dựng vở, lần đầu dựng hết gần 300 triệu đồng, lần sau hơn 800 triệu đồng. Chủ yếu trông vào bán vé, lại là thể loại rõ kén khán giả, vậy mà không ngờ vé bán sạch bách, rốt cuộc chỉ lỗ hơn trăm triệu. Lại quay về Mỹ tiếp tục vừa đi học vừa đi làm, “kéo cày trả nợ” và cùng với show Davines, lúc này, Phi Anh đã lại dành dụm được gần 200 triệu đồng để làm phim. “Em không muốn lặp lại. Nên lần này sẽ là một bộ phim trinh thám, món mà em rất khoái khẩu (từng được Phi Anh dùng làm gia vị cho vở nhạc kịch “Giấc mộng đêm hè” - PV), có tên: "Cơn bão đi qua địa cầu”. 

Thách thức ở đây là quân số đoàn làm phim vẻn vẹn có 10 người cùng 14 diễn viên. Ngần ấy tiền, ngần ấy người, quả thật không dễ, với một bộ phim có thời lượng 120 phút. Nhưng ở Mỹ, trong những điều được học, em đã luôn được khích lệ rằng: “Hãy luôn tin là bạn có thể tự mình làm được, hơn là ngồi chờ sự giúp đỡ”. Và vì vậy, việc của em là phải biết “liệu cơm gắp mắm”. Cũng vì bộ phim, Phi Anh phải lùi thời hạn lấy bằng vào năm tới, sau khi trở lại trường vào giữa tháng 1.

“Em thường “đo đếm” mình bằng đơn vị năm. Sau một năm nhìn lại, nếu tự thấy không làm được gì ra trò, em sẽ cảm thấy rất xấu hổ vì đã lãng phí thời gian và mơ ước của mình. Có câu “Mua vui cũng được một vài trống canh", nhưng lại cũng có câu: “Mua vui cho người khác là một vinh hạnh”, và không phải ai cũng đủ khả năng làm được điều đấy. Nên em luôn tìm thấy hứng thú trên con đường đi của minh. Hơn cả những thông điệp, nghệ thuật với em, đáng kể nhất là sự bất ngờ... - đạo diễn 9X quan niệm.

“Có câu: “Mua vui cũng được một vài trống canh”, nhưng lại cũng có câu: “Mua vui cho người khác là một vinh hạnh”. Nên em luôn tìm thấy hứng thú trên con đường đi của mình.

(Theo Thiên An/ Lao Động)