Báo cáo kết quả cải cách thủ tục hành chính (CCHC) của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) cho hay, tới nay, Bộ đã xây dựng, ban hành, soạn thảo nhiều văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) (dự án Luật Công nghiệp công nghệ số; dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi); Thực hiện pháp điển trên phần mềm pháp điển và xác thực kết quả pháp điển đề mục chính quyền địa phương; Tuyên truyền, tập huấn các chính sách pháp luật liên quan tới lĩnh vực TT&TT năm 2024; cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản QPPL tại Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Bộ (mic.gov.vn) tại mục Văn bản quản lý và Văn bản QPPL; ban hành Kế hoạch triển khai công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính của Bộ TT&TT năm 2024…

Ngay từ đầu năm, Bộ đã ban hành các nhiệm vụ cụ thể thực hiện Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2024 tại Quyết định số 118/QĐ-BTTTT. Kế hoạch đã đề ra nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh cần thực hiện, gồm:

Tăng cường chỉ đạo thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi, tạo môi trường bình đẳng cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Tăng cường truyền thông và đối thoại với doanh nghiệp, người dân; huy động sự tham gia tích cực của các hiệp hội doanh nghiệp tích cực phản ánh, kiến nghị, góp ý về các dự thảo văn bản và văn bản hiện hành lên Cổng dịch vụ công Quốc gia để tăng tính phản biện của doanh nghiệp, người dân về các quy định pháp luật, qua đó nâng cao chất lượng rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực hiện các nhiệm vụ được giao đảm bảo tiến độ và chất lượng, mục tiêu, yêu cầu của Chương trình, Thủ tướng Chính phủ.

Đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, thực hiện kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tăng cường theo dõi, giám sát của các cơ quan truyền thông, báo chí, doanh nghiệp, người dân về kết quả cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh không còn phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cập nhật dữ liệu về quy định kinh doanh trên Cổng tham vấn và Tra cứu quy định kinh doanh: Rà soát, kiểm tra, cập nhật đầy đủ, chính xác và công khai kịp thời dữ liệu về quy định kinh doanh; kết quả rà soát, tính chi phí tuân thủ, phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh vào Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Đôn đốc, rà soát, góp ý về kết quả cập nhật dữ liệu về quy định kinh doanh của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện các dữ liệu về quy định kinh doanh trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

Về việc thực thi cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh và sơ kết tình hình thực hiện Chương trình của Bộ: Chủ trì xây dựng trình cấp có thẩm quyền thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chủ động rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không hợp pháp, không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng và khó xác định. Rà soát, cắt giảm sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành tại các văn bản quy phạm pháp luật.

Tập trung đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất có thẩm quyền bãi bổ TTHC không cần thiết, làm phát sinh chi phí tuân thủ tại các văn bản quy phạm pháp luật. Triển khai thực hiện đơn giản hóa chế độ báo cáo thuộc phạm vi chức năng quản lý của cơ quan, đơn vị mình. Tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, chỉ tiêu kỹ thuật trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia không cần thiết, không phù hợp, thiếu tính khả thi. Thực hiện tham vấn, tương tác với người dân, tổ chức, doanh nghiệp, đối tượng chịu sự tác động của quy định, văn bản quy phạm pháp luật thông qua Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Cùng với đó, Bộ chú trọng đẩy mạnh giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; tái cấu trúc quy trình, cung cấp 100% TTHC đủ điều kiện lên dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP. Hướng dẫn, tổ chức triển khai số hóa đến tất cả các cán bộ, công chức, viên chức tham gia việc tiếp nhận, giải quyết TTHC. Hồ sơ giải quyết TTHC được cung cấp đồng thời cả bản điện tử có đầy đủ giá trị pháp lý cho người dân, doanh nghiệp.

Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp; công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tổ chức, không để tình trạng giải quyết chậm, muộn. Thực hiện việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về vướng mắc, bất cập trong thực hiện TTHC.

Phấn đấu hoàn thành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 100% chương trình xây dựng văn bản QPPL

Trên cơ sở những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, năm 2025, Bộ TT&TT đặt mục tiêu sẽ hoàn thành việc triển khai Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1649/QĐ-BTTTT về Chương trình xây dựng văn bản QPPL thẩm quyền của Bộ năm 2024; triển khai thẩm định đầy đủ, đúng tiến độ và hoàn thành việc ban hành các văn bản đăng ký ban hành trong Quý IV/2024; 100% văn bản QPPL thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ ban hành được kiểm tra; 100% văn bản trái pháp luật phát hiện qua kiểm tra được xử lý hoặc kiến nghị xử lý.

Phấn đấu hoàn thành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 100% chương trình xây dựng văn bản QPPL; 100% văn bản QPPL thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ được kiểm tra; 100% văn bản trái pháp luật phát hiện qua kiểm tra được xử lý hoặc kiến nghị xử lý; đẩy mạnh công tác theo dõi thi hành pháp luật, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện thường xuyên và đổi mới cách thức thực hiện để phù hợp với tình hình hiện nay”, báo cáo nhấn mạnh.

Yên Minh