Việc xoá bỏ những quy định không còn tương thích trong thực tế về tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm của các công chức, viên chức ở nước ta là một tiến trình trình khá dài.

Những quy định về chuẩn hóa ngoại ngữ tin học được đề ra từ những năm 1999 -2000 (tiếng Anh A B C thực hành và tin học A B ứng dụng). Và sau đó được thay đổi vào năm 2014 quy định theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (tiếng Anh A2; B1; B2) và tin học ứng dụng cơ bản, nâng cao theo thông tư 03.

Những quy định về năng lực trình độ ngoại ngữ tin học này là nền tảng để cho các bộ ngành áp dụng trong việc xây dựng các văn bản tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ công chức,viên chức.

{keywords}
Nhiều chứng chỉ hiện nay chỉ mang tính chất làm đẹp hồ sơ

Từ những bài báo đơn lẻ đề cập tới vấn nạn bằng cấp chứng chỉ ngoại ngữ A B C trên một số cơ quan báo chí, trong đó có VietNamNet những năm 2019-2020 đã tác động đến các cơ quan quyền lực nhà nước. Trọng tâm là các cơ quan phụ trách về con người, về nhân sự, cụ thể là Bộ Nội Vụ.

Đặc biệt là dấy lên làn sóng quan tâm của các Đại biểu Quốc hội tại nghị trường trong phiên chất vấn tại kì họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. Gần 3 năm sau chất vấn mới có chuyển biến bằng việc chấm dứt những chứng chỉ ngắn hạn này. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ mới của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thì những nội dung này đã được đưa ra xử lý dứt điểm.

Dư luận cho rằng quyết định bãi bỏ này là một sự việc hiển nhiên mà lẽ ra phải được làm từ lâu. Điều đặc biệt lời phát ngôn của vị Phó Vụ Trưởng Công chức – Viên chức Nguyễn Tư Long (Bộ Nội vụ) trong cuộc họp báo gần đây được ví như cởi “nút thắt”, “xả van hơi” thay cho những tâm tư, nguyện vọng của hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức ở Việt Nam.

Những phát biểu của vị lãnh đạo này khẳng định sâu sắc cho việc chấm dứt nạn văn bằng chứng chỉ giả, tiết kiệm được hàng nghìn tỉ đồng cho nhà nước và cán bộ công chức, viên chức.

Phải khẳng định rằng từ rất lâu rồi, người dân Việt Nam đã nhận thức được sự phát triển của xã hội ngày nay là phải xuất phát từ năng lực thực tế. Những kỹ năng làm việc, hiệu quả công việc đã không còn đo đếm bởi nhiều bằng cấp, chứng chỉ…

Đa phần những cán bộ nhà nước, ngoài việc làm chuyên môn, chuyên viên thì có một số ít liên quan đến công việc đặc thù là cần phải sử dụng ngoại ngữ, tin học. Những kĩ năng cơ bản về tin học hành chính văn phòng thì đa phần mọi người đều được sử dụng hàng ngày trong công việc. Tuy nhiên, một số chứng chỉ yêu cầu chưa sát thực tế, xa vời với công việc thường ngày mà vẫn bị bắt ép phải có thì một số viên chức, công chức phải tìm mọi cách để có.

Việc bãi bỏ các loại văn bằng chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và một số chứng chỉ chức danh nghề nghiệp khác làm nức lòng và hả hê rất nhiều công chức, viên chức trong hệ thống hành chính nước ta.

Họ vui mừng vì chính cơ quan cao nhất quản lý về mặt con người đã nhìn thẳng vào sự thật và nói rõ sự thật. Một sự thật mà dường như ai trong và ngoài hệ thống đều biết. Đây là một bước chuyển mình trong nhận thức, tư duy và hành động của các nhà lãnh đạo trong giai đoạn mới.

Tuy vẫn là chậm hơn so với kỳ vọng nhưng đây cũng là cách làm mà nhiều bộ, ngành trong các cơ quan hành pháp cũng nên tham khảo nhằm điều chỉnh các chính sách sao cho phù hợp với những nhu cầu bức thiết của xã hội và những cán bộ cụ thể trong tiểu hệ thống của mình.

Cù Văn Trung

Bộ trưởng Nội vụ: Hàng triệu công chức, viên chức sẽ giảm gánh nặng chứng chỉ

Bộ trưởng Nội vụ: Hàng triệu công chức, viên chức sẽ giảm gánh nặng chứng chỉ

Trao đổi với VietNamNet, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định quyết tâm cắt bỏ những chứng chỉ không phù hợp, để giảm gánh nặng đối với công chức, viên chức.