Trong văn bản do Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương ký nêu rõ: Thực hiện Quy định số 96-QĐ/TW, ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành hướng dẫn việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy trong Công an nhân dân.

Theo quy định, Giám đốc Công an cấp tỉnh đồng thời là Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy và là thành viên UBND tỉnh, thành phố.

Theo đó, việc lấy phiếu tín nhiệm đảm bảo theo nguyên tắc “cán bộ giữ nhiều chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý thì lấy phiếu tín nhiệm tối đa ở 2 nơi cán bộ công tác và sinh hoạt”.

Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương thống nhất thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức vụ Giám đốc Công an cấp tỉnh và đề nghị Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy và thành viên UBND tỉnh, thành phố ở địa phương mình đảm bảo không vượt quá 2 nơi lấy phiếu theo quy định.

Bộ Công an tổ chức lấy phiếu tín nhiệm giám đốc công an tỉnh.

Trong hướng dẫn của Đảng ủy Công an Trung ương về việc lấy phiếu tín nhiệm các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy trong công an nhân dân đề cập chi tiết về việc lấy phiếu tín nhiệm. 

Về thời điểm lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành sau sơ kết 6 tháng đầu năm thứ 3 (năm giữa Đại hội đảng bộ các cấp). Địa điểm lấy phiếu tín nhiệm tại nơi cán bộ công tác. 

Đối tượng lấy phiếu, chủ trì hội nghị lấy phiếu và thành phần ghi phiếu tín nhiệm được quy định như sau:

Đối với Giám đốc, Phó Giám đốc Công an cấp tỉnh, việc chủ trì lấy phiếu do Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an cấp tỉnh. Trường hợp Bí thư Đảng ủy, Giám đốc không thể chủ trì thì Phó Bí thư chủ trì; trường hợp Bí thư, Phó Bí thư đều không thể chủ trì thì một lãnh đạo Công an cấp tỉnh chủ trì.

Thành phần ghi phiếu tín nhiệm gồm: Ủy viên Đảng ủy, lãnh đạo Công an cấp tỉnh; Thủ trưởng các đơn vị thuộc Công an cấp tỉnh; Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng các đoàn thể của đơn vị (nếu có). 

Tham dự hội nghị lấy phiếu mời các đại diện gồm: Ban Tổ chức tỉnh ủy, thành ủy; Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy; Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy; Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương; Văn phòng Đảng ủy Công an Trung ương; Cục Tổ chức cán bộ.

Đáng chú ý, hướng dẫn của Đảng ủy Công an Trung ương nêu rõ các trường hợp không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm. 

Cụ thể, cán bộ đã có thông báo nghỉ công tác chờ hưởng chế độ hưu trí; cán bộ mới được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ trong năm lấy phiếu; Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Thư ký lãnh đạo Bộ... 

Kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho việc quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, cho thôi giữ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ.

Những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn. Đồng thời xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức.

Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.