Chiều 7/8, Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội thảo “Ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay”.

Theo Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an), cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà Bộ Công an triển khai, xây dựng và đưa vào vận hành, quản lý hơn 104 triệu dữ liệu công dân trên toàn quốc, được đồng bộ, liên thông với 15 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp và 63 địa phương.

Đại tá Vũ Văn Tấn đánh giá, ngành ngân hàng đã tích cực phối hợp với Bộ Công an trong việc triển khai Đề án 06 với 11 nhiệm vụ và 35 nội dung trong kế hoạch phối hợp giữa 2 đơn vị.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Cục phó C06 phát biểu tại hội thảo. 

Tuy nhiên, ông Tấn chỉ ra rằng, các ngân hàng và tổ chức tín dụng thiếu thông tin, dữ liệu để quyết định cho vay. Do đó việc vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng tín dụng đen.

Thống kê của Bộ Công an trong 3 năm (2019-2022) cho thấy: Cơ quan điều tra trong CAND tiếp nhận, phát hiện 2.700 vụ, hơn 4.900 đối tượng liên quan đến tín dụng đen. Riêng về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, đã tiếp nhận, phát hiện hơn 1.500 vụ, hơn 2.700 đối tượng; đã khởi tố hơn 1.000 vụ với hơn 2.000 bị can.

Bộ Công an xác định, các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các ngân hàng không có cơ sở đánh giá xác định đối tượng cho vay; ngân hàng chưa có chính sách hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội; thiếu cơ chế quản lý nhà nước về kiểm soát tín dụng đen và hỗ trợ người dân.

Để giải quyết bài toán trên, Đại tá Vũ Văn Tấn cho biết, C06 đã phối hợp với một đơn vị cấp trường của Đại học Bách khoa Hà Nội triển khai đánh giá khả tín khách hàng vay trên nền tảng dữ liệu dân cư.

Đến nay, đã cơ bản hoàn thiện mô hình thuật toán đánh giá khả tín khách hàng vay với 18 trường thông tin dân cư, dữ liệu về căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử, dữ liệu di biến động cư trú và các trường thông tin khác được làm giàu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với độ chính xác cao.

Quá trình thử nghiệm đã khẳng định 5 giá trị mà giải pháp đánh giá khả tín khách hàng vay dựa trên nền tảng dữ liệu dân cư mang lại, gồm: Đầu tiên là minh bạch (các tổ chức ngân hàng dựa trên điểm tín dụng cho ra kết quả chính xác đối với các cá nhân, doanh nghiệp vay vốn, nhân viên không thể trục lợi…);

Hai là văn minh (người dân được hưởng các tiện ích không giấy tờ, có thể thực hiện vay vốn trực tuyến dễ dàng, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công sức);

Ba là phòng chống tội phạm (doanh nghiệp, người dân tiếp cận được nguồn vốn chính thống và trợ cấp lãi suất từ Chính phủ, qua đó làm giảm tỷ lệ tín dụng đen, mâu thuẫn trong xã hội);

Bốn là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và năm là an sinh xã hội (tăng tỷ lệ cho vay hỗ trợ cho người nghèo, hỗ trợ mua nhà trợ cấp xã hội).

Nguyễn Đình Đoàn Bổng, Lê Tiến Dũng, Lê Diệu Thúy, Nguyễn Đình Thành, Nguyễn Thái Khang

Tiến Dũng và nhóm PV, BTV