Đại diện Bộ Công an cho biết, dự thảo Luật PCCC&CNCH gồm 9 chương và 61 điều. Trong đó cơ quan soạn thảo đã bổ sung nhiều quy định cụ thể trong hoạt động PCCC&CNCH, có tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân.
Thứ nhất, dự thảo Luật bổ sung quy định cụ thể các hoạt động CNCH có tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân mà chưa được quy định trong văn bản luật, gồm các nội dung: Phân định rõ các tình huống CNCH mà lực lượng PCCC&CNCH chủ trì thực hiện; quy định cụ thể về trách nhiệm CNCH; quy định về người chỉ huy CNCH; quy định cụ thể về việc huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản tham gia CNCH; quy định về công tác phối hợp của lực lượng PCCC với các lực lượng khác khi tham gia CNCH đối với các tình huống thảm họa, thiên tai, dịch bệnh theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, so với luật hiện hành, bổ sung nhiều quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của từng chủ thể trong công tác PCCC, bao gồm: người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông, chủ đầu tư, chủ hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, cá nhân; trách nhiệm về PCCC đối với trường hợp cho thuê, mượn, ở nhờ nhà ở; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về PCCC&CNCH; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp trong quản lý nhà nước về PCCC&CNCH, trách nhiệm của cơ quan thông tin, truyền thông trong việc tuyên truyền; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
Thứ ba, bổ sung các quy định cụ thể về điều kiện an toàn PCCC cho một số đối tượng nhà, công trình mà luật hiện hành chưa điều chỉnh, cụ thể là điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, bổ sung quy định về việc lắp đặt thiết bị truyền tin báo cháy tại các cơ sở, nhà ở tại khu vực đô thị không bảo đảm khoảng cách ngăn cháy, chống cháy lan, hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy.
Bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động PCCC&CNCH để bảo đảm việc thực thi pháp luật về PCCC được nghiêm minh (luật hiện hành quy định 7 hành vi, dự thảo Luật PCCC&CNCH bổ sung thêm 9 hành vi bị nghiêm cấm).
Thứ tư, điều chỉnh các quy định của luật hiện hành liên quan đến hoạt động thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với pháp luật về xây dựng và các pháp luật chuyên ngành khác.
Theo đó, sẽ thay hoạt động thẩm duyệt thiết kế về PCCC thành hoạt động thẩm định thiết kế về PCCC. Phân định rõ lại phạm vi, nội dung thẩm định thiết kế do các cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành đảm nhiệm, cụ thể: lực lượng Công an sẽ chỉ thẩm định thiết kế đối với phương tiện, hệ thống PCCC và hệ thống điện phục vụ PCCC; các cơ quan chuyên môn về xây dựng sẽ thẩm định thiết kế đối với khoảng cách phòng cháy, chữa cháy; đường bộ, bãi đỗ, khoảng trống phục vụ hoạt động PCCC&CNCH; giải pháp thoát nạn; bậc chịu lửa, giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan; giải pháp chống khói nhằm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn về xây dựng.
Thứ năm, bổ sung các quy định cụ thể, bao quát hơn về PCCC điện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, thiết bị điện và đơn vị bán lẻ điện trong việc hướng dẫn về bảo đảm an toàn sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất.
Thứ sáu, bổ sung các quy định cụ thể, bao quát hơn về hoạt động chữa cháy, gồm quy định cụ thể trách nhiệm chữa cháy; việc huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản tham gia chữa cháy; nguồn nước chữa cháy; người chỉ huy chữa cháy; quyền, trách nhiệm của người chỉ huy chữa cháy; việc tổ chức khắc phục hậu quả vụ cháy; công tác bảo vệ hiện trường, điều tra vụ cháy; việc chữa cháy trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế…
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng sửa đổi các quy định liên quan đến kinh doanh dịch vụ PCCC. Bổ sung quy định về việc xử lý đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC hiện hành. Đồng thời, về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC&CNCH.
Dự kiến sau khi Luật PCCC&CNCH có hiệu lực, cắt giảm 8 nhóm thủ tục hành chính.