![]() |
Công văn về việc phòng, tránh học sinh, sinh viên tham gia cá độ, đánh bạc qua mạng vừa được Bộ GD&ĐT gửi các đại học, học viện, các trường đại học; các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm hôm qua, ngày 7/5/2018.
Tại công văn này, Bộ GD&ĐT nhận định, thời gian gần đây xảy ra tình trạng một số học sinh, sinh viên đánh bạc qua mạng có xu hướng gia tăng dẫn đến nhiều hệ lụy cho bản thân, gia đình và xã hội. Hành vi cá độ, đánh bạc là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm Quy chế công tác học sinh, sinh viên.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ GD&ĐT đề nghị Giám đốc các đại học, học viện; Hiệp trưởng các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó có việc xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Quyết định 1235 ngày 30/3/2018 của Bộ GD&ĐT ban hành Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên đến năm 2020”.
Cùng với đó, các cơ sở giáo dục cũng được đề nghị đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên, người lao động và học sinh, sinh viên trong việc phòng, tránh, tố giác các hành vi vi phạm về cá độ, đánh bạc qua mạng thông qua việc tổ chức Tuần sinh hoạt công dân - Học sinh, sinh viên hàng năm, các sinh hoạt chuyên đề liên quan.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, rà soát, nắm bắt thông tin về đối tượng học sinh, sinh viên có biểu hiện bất thường để phối hợp với gia đình, tổ chức đoàn thể và các cơ quan chức năng của địa phương có giải pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Chỉ đạo tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên tăng cường tuyên truyền các nội dung về phòng, tránh tham gia các hoạt động đánh bạc, cá độ trong các buối sinh hoạt tập thể.
Công văn của Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ, các trường đại học, học viện và các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm phải báo cáo đột xuất khi có các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp xảy ra.
Trước đó, ngày 30/3/2018, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã ký quyết định 1235 phê duyệt Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên đến năm 2020”. Đề án hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và năng lực hành động của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, người lao động và học sinh, sinh viên trong công tác phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật. Phòng ngừa hiệu quả, làm giảm tội phạm, vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Các mục tiêu cụ thể của Đề án gồm có: 100 % trường học tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các thành viên trong trường về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật, bạo lực học đường trong học sinh, sinh viên; 100% trường học tổ chức giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống và văn hóa ứng xử cho các thành viên trong trường học; giảm số vụ, số người phạm tội, vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên.
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Đề án của Bộ GD&ĐT cũng đã nêu ra hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp cần được tập trung triển khai giai đoạn tới, trong đó có nhóm giải pháp về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý học sinh, sinh viên, phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật. Cụ thể, sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thông tin học sinh, sinh viên phục vụ công tác thống kê, báo cáo về tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến học sinh, sinh viên; xây dựng tài liệu, tuyên truyền trên hệ thống thông tin điện tử về các loại hình tội phạm mới, tội phạm công nghệ cao để các thành viên trong trường, gia đình học sinh khai thác, phòng ngừa.